Định kiến phụ nữ lái xe
Hàn QuốcHầu hết các tài xế nữ đều không được chào đón trên đường, bị coi thường bởi định kiến kỹ năng lái xe không tốt bằng nam giới.
Thuật ngữ “Kim Yeo-sa” hay “Madam Kim” trong tiếng Anh, ám chỉ nữ giới là những tay lái tồi và đôi khi bị các tài xế nam bắt nạt trên đường. Sâu xa hơn, chúng ám chỉ những bà nội trợ trung niên, không có kinh nghiệm làm việc bên ngoài, phản ánh quan điểm lỗi thời rằng lái xe là việc của nam giới.
Lee Yeon-ji, người sáng lập chương trình giáo dục Unnie Car (trong tiếng Hàn, “unnie” là “chị gái”) nói: “Từ ‘Kim Yeo-sa’ khiến tôi nghĩ rằng các tài xế nam đang đánh dấu lãnh thổ của họ với các tài xế nữ, dù nhiều người trong số họ lái xe không giỏi. Nhưng mọi người đã nghe đến cụm ‘Kim Chong-gak’ (thuật ngữ tương tự ‘Kim Yeo-sa’ nhưng ám chỉ nam giới) chưa?”.
Đến năm 2019, Hàn Quốc có 13,7 triệu phụ nữ có bằng lái xe, chiếm 42%. Số lượng tài xế nữ gia tăng khi nhiều người tham gia vào lực lượng lao động, nhưng sự phân biệt đối xử vẫn ngầm tồn tại.

Lee Yeon-ji (ở giữa) đang nắp ca-pô ôtô để đưa ra các mẹo bảo dưỡng xe tại một xưởng ở Daegu, tháng 12/2021. Ảnh: Lee Yeon-ji
Là người đam mê tốc độ với 6 năm kinh nghiệm cầm vô lăng, Lee quá quen khi bị tài xế nam công kích. “Những người tôi gặp trên đường hay trong tiệm sửa xe đều cho rằng nữ giới lái xe không giỏi và thiếu kiến thức về ôtô. Nhưng khi biết tôi thành thạo những kỹ năng trên, họ lại thốt lên ‘Cô là phụ nữ mà giỏi thế'”, Lee kể.
Hay khi đến trường dạy lái xe để đăng ký nâng bằng, một nhân viên cố gắng thuyết phục Lee từ bỏ ý định lấy bằng lái xe hạng 1 vì “rất khó với phụ nữ”. Ở Hàn Quốc, người có bằng lái xe hạng 1 được điều khiển xe tải và các loại trên 15 chỗ ngồi. Trong khi hạng 2 dành cho người lái xe từ 9 chỗ trở xuống.
“Nếu trường đào tạo cho tôi đăng ký khóa học, họ có thể nhận được 600.000 won (hơn 11 triệu đồng) tiền học phí. Nhưng thay vào đó, họ lại cố làm tôi nản lòng. Thật kỳ lạ khi việc cố làm tôi nản chí quan trọng hơn kiếm lợi nhuận”, Lee thắc mắc.
Cô cho biết, những nữ tài xế đam mê xe hơi được coi là hàng hiếm ở Hàn Quốc. Hầu hết những nơi liên quan đến ôtô như cửa hàng sửa chữa, câu lạc bộ chơi xe đều do nam giới thống trị. Và Lee là thành viên nữ duy nhất.
“Tôi tự hỏi nếu tham gia câu lạc bộ này thêm 10 năm nữa, bản thân có thể dạy những người khác về ôtô không? Điều này có thể, nhưng tôi không chắc số lượng thành viên nữ sẽ nhiều lên”, cô nói.

Lee Yeon-ji chủ trì hội thảo dành cho phụ nữ lái ôtô và lái xe ở Daegu, tháng 12/2021. Ảnh: Lee Yeon-ji
Sau những trăn trở, năm 2020, Lee bắt đầu triển khai dự án “Unnie Car”. Đây là nơi giúp nữ giới yêu thích ôtô và lái xe có thể học các buổi đào tạo về bảo dưỡng ôtô, hướng dẫn xử lý tình huống khẩn cấp trên đường. “Tôi hy vọng các nữ tài xế có thể tự do tìm kiếm lời khuyên qua các buổi chia sẻ như hỏi chị gái của mình”, cô nói.
Đến nay, dự án của Lee đã tổ chức hàng trăm buổi chia sẻ trên khắp Hàn Quốc như Seoul, Gwangju, Daegu và đảo Jeju.
Ngoài giảng dạy trực tiếp, cô gái trẻ cũng chia sẻ những thông tin hữu ích về các thương hiệu xe hơi, tình trạng giao thông lên mạng xã hội và được nhiều người đón nhận. Những người tham gia nói rằng bản thân có được sự tự tin và phản xạ nhanh khi gặp các sự cố.
Thông qua dự án, Lee được nghe thêm nhiều trường hợp tài xế nữ bị đối xử bất công. Như một số đại lý ôtô chỉ nói chuyện với chồng hoặc bạn trai đi cùng, dù khách mua là nữ hoặc những va chạm nhỏ, các nữ tài xế luôn nhận chỉ trích.
“Tôi muốn xóa bỏ suy nghĩ ‘nam giới lái xe và xử lý máy móc tốt hơn’. Tôi muốn tạo ra nhiều ví dụ về những phụ nữ có kiến thức về ôtô và lái xe tốt hơn đàn ông”, Lee chia sẻ.
Phương Minh (Theo Korea Times)