Món măng khô làm tắc ruột người phụ nữ

Hà NộiMột ngày sau khi ăn canh măng lưỡi lợn, người phụ nữ 70 tuổi đau bụng dữ dội, buồn nôn, bí trung đại tiện, bác sĩ chẩn đoán tắc ruột.

Ngày 30/1, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, cho biết không rõ bà ăn bao nhiêu măng, song có thể nhai không kỹ nên măng tích tụ trong dạ dày tạo thành bã thức ăn.

Ê kíp bác sĩ mổ nội soi, lấy ra cục bã măng trong quai ruột bệnh nhân. Bác sĩ nhận định trường hợp này nếu để lâu, bã thức ăn có thể gây hoại tử ruột, nguy hiểm tới tính mạng.





Canh móng giò hầm măng khô kiểu Bắc là món ăn đặc trưng của nhiều gia đình Việt ngày Tết. Ảnh: Bùi Thủy

Canh móng giò hầm măng khô là món ăn đặc trưng của nhiều gia đình Việt trong ngày Tết. Ảnh: Bùi Thủy

Măng lưỡi lợn hầm giò heo là món ăn đặc trưng trong mâm cỗ Tết của nhiều gia đình. Măng vị ngọt thanh, có tác dụng chống ngấy nhưng có thể dẫn tới tắc ruột nếu ăn không nhai kỹ.

Bác sĩ Liên cho biết măng lưỡi lợn nhiều chất xơ, nhiều đoạn già hóa gỗ, người ăn nhai không kỹ sẽ khó tiêu. Khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có chất tannin và thức ăn nhiều chất xơ. Bởi vậy người có hệ tiêu hóa kém, người già yếu, móm, ăn măng dễ bị tắc ruột.

Ngoài măng, một số đồ ăn cứng khó tiêu như hồng, rau bí… cũng nên cẩn trọng khi ăn. Bác sĩ khuyên người già nên ăn ít măng, xé nhỏ, nhấm nhá và bỏ bã. Khi bị tắc ruột, triệu chứng như đau bụng từng cơn, đau vùng thượng vị, nôn, bí, chướng, cần nhanh chóng đến viện kiểm tra. Đa phần trường hợp tắc ruột cần phẫu thuật cấp cứu.

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh tắc ruột có nguy cơ thiếu máu ruột, hoại tử, xoắn hoặc thủng ruột.

Thúy Quỳnh

Nguồn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *