Nghề tư vấn bảo hiểm tưởng dễ nhưng khó
Khi bắt đầu công việc tư vấn bảo hiểm, anh Nguyễn Kim Vương (TP HCM) từng chịu nhiều định kiến là nghề dễ dãi, không cần bằng cấp và chuyên môn.
Thời điểm đó, chưa cần mở lời tư vấn, anh Vương đã nhận được cái lắc đầu của bạn bè. Có người ví von công việc của anh như bán hàng đa cấp, dụ dỗ người mua để lấy hoa hồng sau đó “đem con bỏ chợ”. “Ba tháng khởi đầu với công việc tư vấn bảo hiểm chắc còn nhiều nước mắt hơn 30 năm cuộc đời trước đó cộng lại”, anh Nguyễn Kim Vương bật cười kể lại.
Giờ đây, sau hơn 10 năm trụ vững với nghề, anh Vương đã có thể tự tin giới thiệu mình là chuyên viên tư vấn tài chính. Anh tự tin giới thiệu những kiến thức đã trau đổi để có thể “vững tay” tư vấn cho khách hàng, trái với suy nghĩ không cần trang bị gì của nhiều người. “Những tư vấn tài chính không những phải vững kiến thức về tài chính, còn phải giữ đạo đức kinh doanh và tận tâm với nghề, bởi một gói bảo hiểm nhân thọ là sự gắn kết trên hành trình dài cùng khách hàng”, chàng trai 34 tuổi giải thích rõ.

Anh Nguyễn Kim Vương – MDRT Prudential Việt Nam. Ảnh: NVCC
Sau hai thập kỷ bảo hiểm nhân thọ có mặt, nhận thức của người Việt về nghề tư vấn bảo hiểm đã cải thiện nhiều nhưng những định kiến vẫn tồn tại. Không gay gắt như thời điểm của anh Vương nhưng nhiều tư vấn viên cho biết dù không bị nói là đa cấp, cũng không nhận được cái nhìn thiện cảm. Khách hàng chưa hoàn toàn tin tưởng vào cam kết tư vấn và hỗ trợ dài lâu của tư vấn viên.
Thực tế, để bắt đầu với công việc của một tư vấn viên bảo hiểm, không chỉ trải qua khóa đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ Tài chính, tất cả tư vấn viên phải vượt qua quy trình huấn luyện và kiểm tra của các doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu không toàn tâm toàn ý với công việc, thường xuyên nâng cao kiến thức, kỹ năng, tư vấn viên rất dễ tụt hậu trong guồng quay cạnh tranh với đồng nghiệp.
Để tăng hiệu quả và cạnh tranh, các doanh nghiệp trong ngành không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các tư vấn viên. Ngoài đóng góp cho doanh số, tư vấn viên còn là những người góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu cho một công ty bảo hiểm
Ngày nay, nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao, do đó, vai trò của tư vấn viên bảo hiểm không chỉ đơn thuần hỗ trợ các thủ tục thông thường, còn phải như một nhà tư vấn chiến lược sản phẩm, tài chính cá nhân để tối ưu hóa các quyền lợi cho người dùng. Đòi hỏi này khiến nghề bảo hiểm gặp thách thức hơn nhưng cũng nâng cao vị thế và dần xóa đi những định kiến.
“Vẫn cần một tư vấn viên bảo hiểm tận tâm để hỗ trợ. Hợp đồng bảo hiểm thường dài và rất nhiều điều khoản, nếu không phải người chuyên nghiệp thì rất khó để nắm bắt rành mạch các vấn đề, các điều khoản loại trừ…”, anh Hoàng (Bắc Giang), khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Nhiều khách hàng còn lăn tăn lựa chọn tư vấn viên. Ảnh: Prudential Việt Nam
Dưới góc độ khách hàng, anh Hoàng cho rằng nên có các tiêu chí để lựa chọn tư vấn viên phù hợp và chuẩn bị kế hoạch, không quá phụ thuộc vào người tư vấn. Theo anh Hoàng, điều quan trọng nhất là cần tìm hiểu thông tin về chuyên viên bảo hiểm. Một người có thể tư vấn và chốt hợp đồng buộc phải có chứng nhận đại lý bảo hiểm do công ty cấp. Khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra thông tin của các chuyên viên tư vấn bảo hiểm qua công ty như: tên tuổi, chức vụ, số năm làm việc, bằng cấp… để tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Hiểu rõ tiêu chí cần trung thực, người tham gia nên đồng hành, không để tư vấn viên khai giúp, khai sai để tránh vi phạm các điều khoản. Ngay từ khi bắt đầu cũng cần yêu cầu tư vấn rõ các khúc mắc và thảo luận rõ vấn đề trong trường hợp tư vấn viên hiện tại chuyển việc…
Để xóa bỏ định kiến, cơ quan ban ngành cùng các doanh nghiệp bảo hiểm luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên. Đặc biệt, Luật Kinh doanh bảo hiểm chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm. Điều này giúp đảm bảo tư vấn đủ và đúng, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, tránh những sai sót dẫn đến những định kiến không đáng có với cả nghề tư vấn và ngành bảo hiểm nhân thọ.
Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chia sẻ: “Để tăng cường trách nhiệm của đại lý tổ chức trong việc tư vấn sản phẩm, dự kiến trong các văn bản hướng dẫn Luật của Bộ Tài chính sẽ bổ sung nhóm quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, thông tin cho bên mua bảo hiểm. Đồng thời cũng quản lý chất lượng của nhân viên tư vấn trong đại lý tổ chức; bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng dịch vụ đại lý bảo hiểm”.
Tư vấn viên bảo hiểm cần được trang bị kỹ năng giao tiếp, sàng lọc, đánh giá thông tin về khách hàng. Họ cũng phải đồng cảm với ý kiến khách hàng, vượt qua lời từ chối và đưa ra giải pháp đối với nhu cầu khách hàng để có thể thuyết trình về gói sản phẩm, chốt hợp đồng.
Nghề tư vấn bảo hiểm không dễ làm như nhiều người vẫn nghĩ. Đội ngũ này cần sự chăm chỉ, kiên định, trung thực và đặc biệt là có kiến thức chuyên sâu về tài chính. Muốn xoá bỏ rào cản định kiến, tư vấn viên cũng cần nỗ lực hơn từng ngày để giúp mọi người có cái nhìn đầy đủ, đa chiều và công bằng hơn với ngành bảo hiểm nhân thọ.