Cà phê là thứ đồ uống không thể thiếu để bắt đầu ngày mới của rất nhiều người. Tách cà phê cũng là món được vô số người lựa chọn trong những buổi hàn huyên với bạn bè. Theo thống kê, mỗi ngày có hơn 2,25 tỷ tách cà phê được tiêu thụ trên toàn thế giới. Thế nhưng, chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ Simrun Chopra cho biết không phải ai cũng uống được cà phê.
Theo đó, vị chuyên gia này liệt kê có 3 nhóm người không nên uống cà phê để tránh những tác động nguy hiểm, đó là:
– Người chuyển hóa chậm
– Người dễ căng thẳng, lo lắng
– Người đang mang thai
Chuyên gia Chopra cho biết khả năng chuyển hóa caffeine khác nhau ở mỗi người. Với những người chuyển hóa caffeine chậm, việc uống cà phê có thể gây gián đoạn chu kỳ giấc ngủ.
Một số người không nên tiêu thụ cà phê (Ảnh minh họa)
“Những người chuyển hóa caffeine chậm có thể có những triệu chứng như bồn chồn, lo lắng hoặc không buồn ngủ cho tới 9 tiếng sau sau khi uống cà phê. Ngược lại, những người chuyển hóa caffeine nhanh lại thấy mức năng lượng được tăng lên. Cà phê có lợi hay hại cũng phụ thuộc vào khả năng cơ thể chuyển hóa caffeine có trong thức uống này”, chuyên gia Chopra giải thích.
Đối với những người dễ bị căng thẳng, lo âu, chuyên gia Chopra cho biết uống cà phê có thể khiến triệu chứng của họ trở nên nặng nề hơn.
Vị chuyên gia này cũng khuyên những phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không nên uống cà phê. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh, nhóm người này nên tránh uống tất cả những đồ uống có chứa caffeine như cà phê, nước tăng lực,…
Điều đặc biệt cần lưu ý khi tiêu thụ cà phê
Khi uống cà phê, cần lưu ý lượng tiêu thụ cũng như chất tạo ngọt thêm vào (Ảnh minh họa)
Một điểm khác cần đặc biệt lưu ý khi uống cà phê đó là số lượng uống vào.
“Uống 1-2 tách cà phê mỗi ngày có thể mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho sức khỏe. Mọi người không nên tiêu thụ quá nhiều đồ uống có chứa caffeine như cà phê, nước tăng lực,…”, chuyên gia Chopra cho hay.
Theo đó, cô đưa ra lời khuyên:
– Chỉ nên uống tối đa 2 tách cà phê mỗi ngày.
– Tránh thêm nhiều sữa, kem hoặc đường khi uống cà phê. Việc lạm dụng chất tạo ngọt có thể làm mất hết tác dụng của cà phê và gây ra nhiều hậu quả sức khỏe khác nhau.
– Đối với những người chuyển hóa caffeine chậm, nếu muốn uống cà phê nên uống vào buổi sáng, đồng thời giảm lượng tiêu thụ chỉ 1 cốc/ngày.
– Tránh uống cà phê trong lúc dùng bữa ăn vì caffeine có thể ức chế hấp thu một số vitamin và khoáng chất.
– Nếu uống cà phê trước khi tập luyện, hãy uống trước 30-60 phút để nhận được hiệu quả tập luyện tốt nhất.