Trong vòng 6 năm, 4 người trong gia đình đã được chẩn đoán ung thư
Trông tin một gia đình 4 người ở Chiết Giang (Trung Quốc) được phát hiện mắc “cùng một loại ung thư” đã thu hút sự chú ý trên Weibo trong thời gian vừa qua.
Đó là trường hợp của gia đình cô Trương. Cô Trương gần 40 tuổi đã trải qua cuộc phẫu thuật ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Phụ nữ và Nhi đồng Ninh Ba (Trung Quốc). Cô Trương là giáo viên thanh nhạc. Thời gian gần đây, cô cảm thấy đau họng và giọng nói không còn to như trước, có khi hơi khàn. Lúc này, cô Trương có dự cảm không tốt nên đã đi khám. Kết quả cô bị ung thư tuyến giáp. Theo bác sĩ phẫu thuật Đường Minh, cô Trương là bệnh nhân ung thư tuyến giáp thứ tư trong gia đình họ.
Sáu năm trước, chị gái thứ hai của cô Trương, lúc đó 39 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Chị gái cô đã trải qua phẫu thuật và cắt một bên tuyến giáp. Sau phẫu thuật, BS Trường Minh là người đã theo dõi tình trạng sức khỏe của chị cô.
Vào tháng 6/2022, Tiểu Vương – cháu của chị Trương, lúc đó 16 tuổi, được phát hiện có nhiều nốt tuyến giáp trong một cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ ở trường. Cuối cùng, cậu bé cũng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Đáng lo ngại hơn, các tế bào ung thư đã di căn và cậu bé phải phẫu thuật cả 2 bên, bóc tách hạch bạch huyết. Điều đó có nghĩa là cậu sẽ phải dùng thuốc hỗ trợ trong suốt quãng đời còn lại.
Vào đầu năm nay, mẹ của Tiểu Vương, chị cả của cô Trương, cũng phát hiện ung thư tuyến giáp và sau đó trải qua phẫu thuật cắt bỏ.
Qua trường hợp của gia đình cô Trương, bác sĩ Đường Minh nói thêm rằng, ung thư tuyến giáp không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Thông qua sờ nắn, siêu âm cổ, bác sĩ có thể phát hiện các khối u và nốt tuyến giáp nhỏ. Điều đáng chú ý là các nốt tuyến giáp không giống như ung thư tuyến giáp. 80% các nốt tuyến giáp là tổn thương lành tính, không cần phẫu thuật, chỉ cần theo dõi thường xuyên hoặc điều trị bằng thuốc.
Từ đó, các bác sĩ cảnh báo cần chú ý đến tiền sử gia đình có bệnh ung thư tuyến giáp. Hiện tại, người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp được coi là có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1,5-2 lần so với những người khác. Ngoài ra, khi được chẩn đoán các nốt lành tính không có nghĩa là bạn có thể yên tâm. Hãy kiểm tra thường xuyên 6 tháng đến khoảng một năm một lần. Nếu nhận thấy các nốt sần phát triển nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn, cộng với dấu hiệu khàn giọng dai dẳng, khó nuốt hoặc sưng hạch bạch huyết ở cổ, bạn nên hết sức cảnh giác và đi khám càng sớm càng tốt.
Với hoàn cảnh của gia đình cô Trương, bác sĩ khuyến cáo các thành viên trong nhà nên làm xét nghiệm di truyền để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Việc này sẽ giúp cung cấp bằng chứng di truyền để phòng ngừa trong tương lai, thậm chí là cho thế hệ tiếp theo.
Bệnh ung thư có di truyền hay không?
Ung thư là kết quả quá trình tích lũy đột biến trên nhiều gen. Phần lớn các đột biến này xảy ra do cơ thể chúng ta tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư từ môi trường bên ngoài, phần còn lại do di truyền từ thế hệ trước. Mặc dù ung thư là căn bệnh phổ biến, nhưng chỉ có khoảng 5-10% trong số đó là di truyền. Các đột biến gen có thể di truyền theo một số cách khác nhau.
Các nhà nghiên cứu phát hiện có khoảng trên 20 loại ung thư có tính di truyền trong gia đình, trong đó có 9 loại phổ biến là ung thư buồng trứng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đầu và cổ, u nguyên bào thần kinh đệm, ung thư phổi – màng phổi, ung thư nội mạc tử cung, bệnh bạch cầu cấp dòng tủy…
Như vậy, với những người có người thân từng mắc bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh nằm trong 9 loại bệnh ung thư có nguy cơ di truyền cao, cần sàng lọc ung thư sớm, để loại bỏ lo lắng về bệnh ung thư có di truyền không.
Theo Ningbo Evening News, Aboluowang