Sau khi một đứa trẻ được sinh ra, nhiều bậc phụ huynh sẽ chú ý đến ngoại hình của con và suy đoán xem khi lớn lên bé sẽ giống bố hay mẹ. Tại Chiết Giang, Trung Quốc, gia đình Tiểu Vương vừa đón thêm một thành viên mới.
Anh và vợ rất vui mừng khi thấy con mình lớn lên từng ngày. Tuy nhiên, có một vấn đề đó là đứa trẻ lớn lên ngày càng giống ông nội. Ban đầu Tiểu Vương không để tâm và cho rằng việc cháu giống ông nội là chuyện bình thường.
Một ngày nọ, Tiểu Vương và cha của anh dắt đứa bé ra công viên chơi. Lúc này có một người lạ đi ngang qua nói đùa, ông lão thật may mắn khi có được hai người con trai. Ông nội vui vẻ giải thích với người khác rằng đây là cháu trai của ông, nhưng Tiểu Vương lại để tâm chuyện này.
Mối nghi ngờ ngày càng lớn. Anh Vương quyết định bí mật đi xét nghiệm ADN để kiểm tra đứa trẻ có phải con của mình hay không. Kết quả xét nghiệm trả về cho thấy đó hoàn toàn là con anh. Thế nhưng, không lâu sau vợ anh phát hiện ra sự việc. Cô cho rằng anh không tin tưởng mình, thậm chí còn nghi ngờ đứa bé là con của ông nội. Mâu thuẫn không thể giải quyết, cặp đôi cuối cùng cũng ly hôn.
Trên thực tế, một đứa trẻ khi sinh ra không giống cha mẹ mà lại có nét của ông bà hoặc người ở thế trước là chuyện bình thường. Các chuyên gia giải thích nguyên nhân là vì gen thế hệ.
Vậy đặc điểm nào của trẻ bị ảnh hưởng bởi gen di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác?
1. Ngoại hình
Hình minh họa. Ảnh: Zhihu
Sở dĩ, cậu bé ở câu chuyện trên trông giống ông nội nhưng không giống bố mẹ là vì khuôn mặt của bé được di truyền giữa các thế hệ. Trong trường hợp này, gen trội là yếu tố quyết định. Tiểu Vương là người thừa hưởng gen lặn nên sẽ không có những đặc điểm ngoại hình rõ ràng này. Gen trội được truyền lại cho con trai anh.
Tuy nhiên, ngoại hình của một đứa trẻ không cố định 100%. Có thể khi lớn lên, em bé sẽ có nét giống bố mẹ. Do đó, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng.
2. Tóc
Khoa học đã chỉ ra, đặc điểm của tóc có thể được di truyền từ tổ tiên. Một số cha mẹ có thể thấy tóc mình rất thẳng nhưng con cái họ lại thừa hưởng những lọn tóc xoăn tự nhiên của ông bà. Hiện tượng này rất phổ biến.
Nếu con cái có đặc điểm không giống cha mẹ, các bậc phụ huynh có thể tìm kiếm ở thế hệ trước, sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Tất nhiên, ngoài những đứa trẻ giống ông bà, việc một số đứa trẻ giống anh chị em của cha mẹ cũng là điều rất bình thường.
3. Vóc dáng
Cơ thể mỗi người có tỷ lệ trao đổi chất khác nhau và đó chính là nguyên nhân khiến một số người (không cùng huyết thống) cùng ăn những thực phẩm như nhau, cùng chế độ sinh hoạt và tập luyện thể thao nhưng có người lại rất béo còn có người vẫn gầy. Điều này được khẳng định là do yếu tố di truyền. Nếu cha mẹ là những người thuộc tuýp dễ tăng cân thì em bé sau này cũng dễ béo như thế. Ví dụ, nếu có người ở thế hệ trước như ông bà hoặc cha mẹ bị béo phì thì cháu có khả năng thừa hưởng gen này.
Hình minh họa. Ảnh: Zhihu
4. Bệnh tật
Ngoài một số đặc điểm thể chất bị ảnh hưởng bởi sự di truyền giữa các thế hệ, một số bệnh xấu cũng có thể được truyền từ đời này sang đời khác như mù màu, tiểu đường, v.v.. Không ai muốn sinh ra một đứa con mắc bệnh bẩm sinh, vì vậy cha mẹ cần phải chú ý đến điều này.
Các bác sĩ khuyến cáo trước khi có con, các cặp vợ chồng muốn nên kiểm tra xem xét liệu tổ tiên của họ có mang gen bệnh hay không. Đồng thời, bố mẹ cũng nên chuẩn bị cho việc mang thai và cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra thể chất, phòng ngừa rủi ro.
Tóm lại, ngoài việc thừa hưởng một số đặc điểm của cha mẹ, nhiều trường hợp con cháu có nét đặc trưng được di truyền từ tổ tiên. Một số gen của đời trước lặn ở cha mẹ nhưng lại có thể trội ở đời sau. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Vì vậy cha mẹ không cần quá lo lắng.
Theo Sohu
https://soha.vn/con-trai-cang-lon-cang-giong-ong-noi-cha-bi-mat-di-lam-xet-nghiem-adn-ket-qua-tra-ve-gia-dinh-tan-vo-2023121709385286.htm