Tối 17-11, Đội CSGT – Trật tự Công an TP Thủ Đức phối hợp Đội CSGT Cát Lái (Phòng CSGT Công an TP HCM) lập tổ chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển ô tô, xe máy lưu thông qua giao lộ Mai Chí Thọ – Lương Định Của (TP Thủ Đức).
Theo đó, tổ công tác đã chia thành 2 nhóm kiểm tra, lập chốt trên hai con đường.
Đội CSGT – Trật tự Công an TP Thủ Đức phối hợp Đội CSGT Cát Lái “thổi cồn” tại giao lộ Mai Chí Thọ – Lương Định Của
Đối với người điều khiển ô tô, để thuận lợi cho việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn mà không gây ùn tắc giao thông, lực lượng chức năng dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động. Với máy này, chỉ mất vài giây để tài xế thổi hơi vào phễu đo, để kiểm tra tài xế có hay không có nồng độ cồn trong hơi thở.
Nếu không phát hiện vi phạm thì hướng dẫn cho tài xế tiếp tục hành trình. Trường hợp phát hiện vi phạm về nồng độ cồn, CSGT sẽ yêu cầu tài xế đưa xe vào khu vực xử lý.
Tại khu vực xử lý, CSGT thực hiện bước 2, dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng (dùng ống thổi) để xác định mức độ vi phạm. Sau đó, lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện.
Máy đo định lượng
Đối với người lái xe máy, CSGT trực tiếp kiểm tra người điều khiển phương tiện có dấu hiệu say xỉn bằng máy đo định lượng.
Một giảng viên đại học tại TP HCM vi phạm nồng độ cồn mức 1
Ghi nhận trong 2 giờ làm việc (từ 20 đến 22 giờ), tổ công tác đã đo ngẫu nhiên hàng trăm người điều khiển ô tô, xe máy lưu thông qua khu vực. Qua đó, phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm 6 người điều khiển xe máy và 1 người lái ô tô.
Trong những trường hợp vi phạm, có giảng viên một trường đại học tại TP HCM. Thời điểm vi phạm, người này chạy xe máy, kết quả đo nồng độ cồn là 0,129 mg/l khí thở (mức 1 của khung hình phạt; sẽ bị xử phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày). Người vi phạm thừa nhận “có uống” nhưng “uống ít” nên mong được thông cảm, bỏ qua.
Tổng giám đốc một công ty xây dựng tại TP HCM nói kết quả nồng độ cồn này là “dư âm” của lần tiếp khách vào trưa cùng ngày.
Cùng mức phạt, một người lái ô tô khai nghề nghiệp “xây dựng” (kết quả đo nồng độ cồn là 0,11 mg/l khí thở) sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng, bị tạm giam phương tiện 7 ngày. Làm việc với CSGT, người vi phạm nói rằng kết quả nồng độ cồn này là “dư âm” của lần tiếp khách vào trưa cùng ngày.
Nhiều người lái xe máy có kết quả đo nồng độ cồn vượt xa mức cao nhất của khung vi phạm
Người đàn ông này nêu ý kiến cơ quan chức năng cần có quy định không xử phạt người có mức vi phạm nồng độ cồn “dư âm”, vì ông còn tỉnh táo ở thời điểm bị phát hiện vi phạm. Được biết, người vi phạm này là tổng giám đốc một công ty xây dựng tại TP HCM.
Trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, nhiều người lái xe máy có kết quả đo nồng độ cồn vượt xa mức cao nhất của khung phạt vi phạm (0,4mg/l khí thở).
CSGT sẽ gửi thông báo tới các cơ quan, đơn vị, địa phương để tiếp tục xử lý về mặt chính quyền với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”
Cụ thể, có 4 trường hợp vi phạm từ 0,8 đến 1,011 mg/l khí thở. Hầu hết đều khai là công nhân xây dựng, thừa nhận đã uống rượu bia trước khi lên chạy xe về nhà.
Với kết quả đo này, người vi phạm sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Một người lái xe máy có mức vi phạm rất cao
Riêng tại chốt của Đội CSGT – Trật tự Công an TP Thủ Đức, đến 0 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng còn phát hiện 1 tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn trên 0,4mg/l khí thở. Trường hợp vi phạm này sẽ bị xử phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
VIDEO: Cận cảnh Đội CSGT – Trật tự Công an TP Thủ Đức và Đội CSGT Cát Lái “thổi cồn” tại giao lộ Mai Chí Thọ – Lương Định Của
Quá trình kiểm tra giấy tờ người vi phạm, cán bộ xử lý còn lấy thông tin nghề nghiệp của những người này. Lực lượng chức năng cho biết ngoài việc xử lý vi phạm hành chính về nồng độ cồn, CSGT sẽ gửi thông báo tới các cơ quan, đơn vị, địa phương để tiếp tục xử lý về mặt chính quyền với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Từ ngày 14-11, Công an TP Thủ Đức bắt đầu ra quân Tổng kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn, chất kích thích trên địa bàn TP Thủ Đức.
Theo kế hoạch, lực lượng CSGT TP Thủ Đức sẽ phối hợp Phòng CSGT Công an TP HCM nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng người vi phạm tìm cách đối phó với CSGT bằng cách di chuyển vào các tuyến đường tiếp giáp địa bàn đảm trách của các đơn vị. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT TP Thủ Đức còn đẩy mạnh kiểm tra nồng độ cồn tài xế vào ban ngày.