Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết vào hồi 1 giờ 37 phút 16 giây (giờ GMT) ngày 17-11 tức 8 giờ 37 phút 16 giây (giờ Hà Nội) ngày 17-11, một trận động đất có độ lớn 5,4 xảy ra tại vị trí có tọa độ (21,21 độ vĩ Bắc, 99,46 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 48 km. Động đất xảy ra tại khu vực biên giới Myanmar – Trung Quốc. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Bản đồ chấn tâm động đất. Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu)
Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Được biết vị trí xảy ra xảy ra động đất cách Hà Nội khoảng 660 km. Mặc dù cách xa tâm chấn, thời điểm xảy ra trận động đất, nhiều người dân sinh sống tại các tòa nhà cao tầng ở Thủ đô Hà Nội có thể cảm nhận, thấy rõ đồ đạc bị rung lắc.
Anh Nguyễn Huy, làm việc tại tầng 12 một tòa cao ốc ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết thời điểm xảy ra động đất, anh thấy bóng đèn trong phòng làm việc bỗng lắc lư khoảng 1-2 phút. “Lúc đấy, tôi cùng mấy anh em đồng nghiệp tưởng bị hoa mắt, nhìn lên thành bàn thấy rõ rung nghiêng. Sau đấy, mọi người đọc tin tức mới biết xảy ra động đất” – anh Huy cho hay.
Nhiều người sinh sống, làm việc tại các chung cư, cao ốc ở các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân cũng cảm nhận chóng mặt, đồ vật trong nhà như đèn chùm bị rung lắc, chuyển động nhẹ.
PGS-TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng, cho rằng phản ánh của người dân là hoàn toàn dễ hiểu, song dấu hiệu rung lắc này là bình thường. Theo ông Triều, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy dư chấn từ một số trận động đất xảy ra ở Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào cũng đã khiến người dân ở một số tòa nhà cao tầng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cảm nhận được sự rung lắc nhẹ.
“Việc người dân sinh sống ở các tòa nhà cao tầng cảm nhận được rung lắc là chuyện rất bình thường. Việc này không quá phải lo lắng, bởi khi xây dựng các tòa nhà cao tầng, người ta đã thiết kế, tính đến yếu tố kháng chấn. Hơn nữa, rung lắc nhẹ do động đất cũng xảy ra hàng ngày, rất phổ biến ở trên thế giới” – ông Triều nói.