Tháng 9/2023, một sự việc liên quan đến di chúc gây chú ý tại Trung Quốc. Ông Cao, 80 tuổi ở Thượng Hải qua đời năm 2021. Trước đó từ năm 2013 đến 2017, ông đã viết tổng cộng 19 bản di chúc với nội dung khác nhau, có bản là để lại tài sản cho con gái út, cũng có bản lại cho con gái cả và cháu gái thừa kế.
Sau khi ông Cao qua đời, 2 người con của ông Cao đều kiện cáo lẫn nhau, ai cũng cho rằng bố đã hứa cho mình toàn bộ tài sản. Cùng một tài sản là căn nhà có thể hôm nay ông Cao hứa cho con gái út nhưng hôm sau lại nói sẽ để cho con gái cả, sang tuần sau khẳng định cho cháu gái thừa kế.
Trước những nghi ngờ về tính xác thực của di chúc, Tòa án đã tiến hành thẩm định chữ viết chuyên nghiệp. Qua đó khẳng định toàn bộ 19 di chúc đều do chính ông Cao viết. Vậy di chúc nào mới đúng với di nguyện của cụ ông này?
Lúc này, thẩm phán mới phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến tình huống trái ngang này. Đó là bệnh án cho thấy ông Cao mắc bệnh Alzheimer, căn bệnh dẫn đến suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy. Chính vì vậy nên mới xảy ra việc cụ Cao hôm nay hứa cho con gái út tài sản nhưng một thời gian sau quên, lại lập một bản di chúc khác tặng nhà cho cháu gái.
Người của Tòa án đã đến 2 viện dưỡng lão ông Cao từng sinh sống và cả khu phố ông ở trước khi qua đời để xác nhận bệnh lý của người đàn ông này. Theo đó, những người có mối quan hệ gần gũi với ông Cao đều xác nhận ý thức của ông lão có phần mơ hồ, hay nhầm lẫn trong nhiều năm.
Thẩm phán Trần Hiền Công, Tòa án quận Song Giang thành phố Thượng Hải nhận định: “Chúng tôi cho rằng Alzheimer là căn bệnh dai dẳng nên khó xác định ông Cao đủ năng lực dân sự khi lập từng di chúc. Vậy nên chúng tôi không công nhận tính hợp pháp của toàn bộ di chúc này”.
Khi di chúc vô hiệu, Tòa án sẽ chia tài sản dựa trên luật Thừa kế. Phải mất 2 năm tranh chấp giằng co, cuối cùng 3 bên mới đạt được thỏa thuận phân chia tài sản trong. Theo đó, người con gái thứ 2 không có nhà riêng nên được thừa kế 50% phần tài sản và chịu thuế thừa kế, trong khi con gái lớn và cháu gái lần lượt thừa kế 25% phần tài sản.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao toàn bộ 19 di chúc của cụ ông 80 tuổi lại vô hiệu. Thẩm phán Trần cho biết, theo Điều 1143 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, di chúc của người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là không hợp lệ.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, trong số các vụ án thừa kế được xét xử trên toàn quốc có 60% di chúc được xác định là vô hiệu. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến di chúc vô hiệu là do người lập di chúc không có đủ năng lực hành vi.
Trong vụ án này, Thẩm phán Trần nhắc nhở mọi người rằng nếu trong gia đình có người già ốm đau muốn lập di chúc thì tốt nhất nên thông qua tòa án hoặc cơ quan công chứng để xác nhận người cao tuổi có năng lực hành vi dân sự. Sau đó nhờ người thứ ba làm chứng trước khi lập di chúc để tránh những tranh chấp trong tương lai.
Thư viện Di chúc Trung Quốc khuyến nghị người dân nên lập di chúc ngay khi có sức khỏe tốt, đầu óc minh mẫn để đưa ra quyết định phù hợp và được pháp luật công nhận đủ năng lực hành vi dân sự.