Chiều 24-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Khoản 1, Điều 8 dự thảo luật quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, nêu ý kiến.
ĐBQH Lê Hữu Trí phát biểu trước Quốc hội
Phát biểu thảo luận, ĐBQH Lê Hữu Trí (đoàn tỉnh Khánh Hòa) cho biết việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Theo ĐB, trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học…
Từ đó, ĐBQH Lê Hữu Trí đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đảm bảo yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho biết quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ là vấn đề cử tri còn băn khoăn. Vị ĐB đồng ý xử phạt, song theo ĐB Tô Văn Tám, rượu bia chỉ có tác hại khi sử dụng quá mức, còn sử dụng ít thì không có hại. Vì vậy, ĐB đề nghị quy định ngưỡng đến một mức nào đó mới xử phạt.
ĐBQH Bế Trung Anh phát biểu ý kiến
Về những băn khoăn của các ĐQBQH về vấn đề nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tranh luận tại phiên thảo luận, ĐBQH Bế Trung Anh cho rằng chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, rượu chỉ một tác nhân ảnh hưởng đến năng lực hành vi, nếu dùng rượu nhiều quá mới ảnh hưởng, mới không điều khiển được năng lực hành vi chứ nếu dùng ở mức độ, như “chỉ nếm rượu thì chắc là vẫn ổn”.
Theo ĐB Bế Trung Anh, chúng ta phân biệt 2 vấn đề là năng lực hành vi và dùng rượu hay không dùng rượu. “Chúng ta mắc giữa kiểm soát năng lực hành vi và tác nhân gây ra năng lực hành vi đó. Nếu chúng ta muốn kiểm soát toàn bộ các tác nhân gây ra năng lực hành vi yếu kém thì không chỉ có rượu, ví dụ như cocaine… thậm chí có anh đi trên đường mà chỉ nghĩ đến vợ mà đã tim đập, chân run, không thể điều khiển xe nữa. Tôi nghĩ chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa năng lực hành vi với tác nhân, việc dùng hay không dùng rượu” – ĐB Bế Trung Anh nói.
Bên cạnh các ý kiến đề nghị xem xét nên có ngưỡng nồng độ cồn phù hợp, nhiều ĐBQH bày tỏ đồng ý với dự thảo luật về quy định đã uống rượu bia thì không được lái xe.