Những động thái trên nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Công an khi vừa qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tại một số địa phương, gây ra hậu quả đau thương, mất mát về người và tài sản rất lớn.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên Quốc lộ 1. Ảnh: Ý LINH
Vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích, vi phạm tốc độ, quá tải trọng… là những nguyên nhân gây tổn thất nêu trên nên cũng là một trong 4 trọng tâm kiểm tra của Công an TP HCM trong đợt ra quân này. Chỉ trong vài ngày đã xuất hiện tín hiệu đáng mừng khi hàng loạt tài xế bị lập biên bản. Từ đó, những vi phạm lâu nay được nhận diện rõ hơn, các chiêu trò qua mặt cơ quan chức năng của tài xế, nhà xe bị phơi ra ánh sáng, trật tự giao thông được siết thêm theo hướng quy củ.
Câu hỏi đặt ra là sau ngày 30-11, các vi phạm có “ngựa quen đường cũ”? Người viết cho rằng sau việc “ra quân” và “lui quân”, không nên để nguy cơ lờn quy định của tài xế cũng như nhà xe tái diễn. Do đó, cần có quá trình vẽ nên bức tranh tổng thể về tình hình giao thông. Qua tổng hợp dữ liệu, phân tích nguyên nhân, đánh giá thực trạng…, cơ quan chức năng, đặc biệt là những nhà làm luật, sẽ có những đề xuất hóa giải vi phạm. Từ những đề xuất được hiện thực bằng quy định ấy, kỳ vọng rủi ro biến mất không chỉ trên quốc lộ mà còn tại mọi tuyến đường.
Đó là mong muốn, đồng thời cũng là đòi hỏi của người dân sau đợt tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm này. Người dân còn mong muốn xa hơn: Khi quy định được sự phụ trợ của kỹ thuật, công nghệ…, lực lượng chức năng không cần miệt mài tuần tra mà tình hình giao thông vẫn tốt.