Trong khuôn khổ hoạt động ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng – Hành trình đồng hành cùng phát triển” lần thứ I năm 2023, ngày 19-11, tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương Đồng Tháp”.
Các diễn giả trong buổi toạ đàm.
Với 3 phiên thảo luận, buổi tọa đàm đã làm rõ nhiều vấn đề của hội quán, từ lý luận đến thực tiễn, sau đó là tiếp cận và phát huy để hội quán cùng phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị, hiệu quả bền vững và thân thiện với môi trường.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
“Để làm được điều đó, chúng tôi xác định, trước tiên phải thay đổi nhận thức của người dân. Và mô hình hội quán ra đời đã phát huy tối đa hiệu quả tập hợp bà con nông dân, ngồi lại với nhau để cùng thay đổi tư duy, thay đổi cách làm ăn từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác cùng nhau, liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
Và thực tế đã chứng minh, trong những năm qua, nông nghiệp đã giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế với mức tăng trưởng 4,51%/năm; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực ĐBSCL và cả nước” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Là người khởi xướng mô hình hội quán khi còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn khởi với hành trình 7 năm của hội quán đã thực sự lan tỏa và tiếp tục duy trì, phát triển. Người nông dân đã biết cùng nhau mở ra một con đường mới cho chính mình.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hội quán đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các viện trường, tổ chức quốc tế. Đây là tiền đề để hội quán và các thành viên bước ra không gian rộng lớn hơn, tự tin tiếp cận, trải nghiệm những điều mới mẻ. Bởi hội quán không chỉ là nơi bàn bạc về phát triển kinh tế, mà hơn hết là xây dựng không gian cộng đồng cùng sống hạnh phúc, hài hòa từ ngôi nhà mỗi người dân đến làng xóm.
“Chặng đường đã qua, đong đầy cảm xúc, vừa đi vừa mở lối, vừa làm vừa củng cố lý luận, vừa gợi mở vừa thuyết phục, vừa hình thành cái mới vừa điều chỉnh cái cũ. Không nghĩ thay, làm thay, để người dân tự quyết định những công việc thuộc về họ, những việc vốn dĩ người dân nắm và hiểu rõ hơn ai hết”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Khẳng định sự đồng hành của chính quyền cùng người dân, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết chính quyền sẽ làm “cầu nối” để hội quán tiếp xúc các chuyên gia nhằm được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN ký kết bản ghi nhớ hợp tác đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa” .
Và minh chứng cho điều đó, tại buổi tọa đàm, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN và UBND tỉnh Đồng Tháp đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng và thực hiện đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa” với mục tiêu hình thành và phát triển chuỗi lúa gạo đa giá trị, giảm phát thải khí nhà kính, và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đề án có sự gắn kết quan trọng với đề án cấp Chính phủ “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Đồng Tháp đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mong muốn sau ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng” lần này, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và nhất là các tổ chức quốc tế sẽ hiểu hơn về hội quán tại Đồng Tháp và cùng đồng hành với hội quán, để hội quán thực sự trở thành mô hình chung, giúp người dân nâng cao năng lực hơn trong thời gian tới.