Bộ Y tế vừa bãi bỏ 2 thủ tục hành chính lĩnh vực BHYT gồm quy định ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT lần đầu và ký hợp đồng KCB BHYT đối với cơ sở KCB được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bổ sung chức năng, nhiệm vụ, phạm vi chuyên môn, hạng bệnh viện.
Theo đó, người tham gia BHYT khi đến cơ sở KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc Căn cước công dân.
Người dân đi khám chữa bệnh BHYT. Ảnh: TTXVN
Trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp… hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân trước khi ra viện.
Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia BHYT phải có phải có Giấy chuyển tuyến KCB BHYT, hồ sơ chuyển viện của cơ sở KCB. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có Giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB.
Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở khác theo quy định về chuyển tuyến.
Trước đó, tại Nghị định 75 Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách về BHYT có lợi cho người tham gia. Cụ thể, đã nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí KCB BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng;
Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình nâng mức hưởng từ 80% lên 95% chi phí KCB BHYT. Vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (mã TG), có mức hưởng 95% chi phí.
Đồng thời, hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền.