Khám sức khỏe tình cờ phát hiện lỗ thông trong tim
Chị Phương (26 tuổi) đi khám sức khỏe tổng quát, tình cờ phát hiện lỗ thông liên nhĩ đường kính 20 mm dù trước đó chưa từng có triệu chứng gì.
Sau một ngày can thiệp đóng lỗ thông liên nhĩ, chị Lê Trúc Phương (Khánh Hòa) trở lại sinh hoạt bình thường và được xuất viện.
Ngày 26/5, BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết khi thăm khám cho chị Phương, bác sĩ nghe tiếng âm thổi bất thường ở tim, nghi ngờ có bệnh lý tim mạch nên khuyên làm thêm kiểm tra cận lâm sàng. Kết quả siêu âm tim cho thấy có lỗ thông liên nhĩ, đường kính chỗ lớn nhất là 20 mm. Đây là một trường hợp điển hình của bệnh tim bẩm sinh người lớn, phát hiện muộn do diễn tiến bệnh thầm lặng.
Kích thước lỗ thông trung bình. Tuy nhiên, nếu lỗ thông liên nhĩ không được bít lại có thể dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, giảm chất lượng sống người bệnh. Một số trường hợp ít gặp có thể đi kèm với bệnh lý phổi, mạch máu phổi dẫn đến tăng áp động mạch phổi, gây tổn thương tim, phổi vĩnh viễn.
Kết quả siêu âm tim qua thực quản cho thấy khoảng cách từ lỗ thông đến cấu trúc xung quanh phù hợp. Do đó, bác sĩ chọn phương pháp can thiệp ít xâm lấn bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ (dù).

BS.CKI Vũ Năng Phúc (thứ 2 từ trái sang) và BS.CKI Lương Minh Thông thực hiện thủ thuật đóng lỗ thông trong tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Bệnh nhân được gây tê tại chỗ ở vùng bẹn, tỉnh táo trong khi làm thủ thuật. Bác sĩ Phúc luồn dây dẫn qua tĩnh mạch đùi để tạo đường thông tới tim. Tiếp đến, êkip đo áp lực động mạch phổi nhằm tránh tình trạng tăng áp động mạch phổi. Áp lực động mạch phổi trung bình của bệnh nhân là 13mmHg, an toàn thực hiện thủ thuật.
Để tiến hành thủ thuật, việc chọn đúng kích thước dù bít lỗ thông liên nhĩ là khâu quyết định thành công. Kết hợp siêu âm tim qua thực quản và thông tim, bác sĩ đo chính xác kích thước lỗ thông là 24 mm. Êkip sử dụng dù làm bằng hợp kim nitinol, tạo hình 2 đĩa tự bung dạng lưới, kích thước 26 mm để đóng lỗ thông.
Trong quá trình thực hiện, mọi thao tác nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương các cơ quan lân cận. Trước khi kết thúc thủ thuật, bác sĩ Phúc tiến hành siêu âm tim để chắc chắn dụng cụ được đặt đúng vị trí, không chèn ép lên cơ quan lân cận, gây hở van tim.

Bác sĩ siêu âm tim qua thành ngực sau thủ thuật để đảm bảo dù bít kín lỗ thông và không bung ra. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Phần lớn các trường hợp tim bẩm sinh đều phát hiện từ trong bào thai hoặc sau khi sinh. Đối với những bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng, không được tầm soát sau sinh, bệnh sẽ âm thầm diễn tiến cho đến khi trưởng thành. Một số bệnh tim bẩm sinh thường gặp ở người lớn như: thông liên nhĩ hoặc các luồng thông nhỏ, trường hợp tim bẩm sinh đã được phẫu thuật hoàn toàn, bệnh tim bẩm sinh phức tạp quá chỉ định phẫu thuật,…
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.