Mới đây, BS Cao Thị Anh Tuyết, Viện sức khoẻ tâm thần Quốc Gia (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một trường hợp nam sinh 14 tuổi có tiền sử khoẻ mạnh.
Theo chia sẻ từ gia đình, nam sinh gặp phải các vấn đề giao tiếp từ lúc nhỏ. Vào lúc 3 tuổi, nam sinh đã nói được các câu ngắn. Tuy nhiên, tới 4 tuổi ngôn ngữ không phát triển thêm và vẫn chỉ nói được các câu ngắn, em gặp khó khăn trong việc mô tả một bức tranh hoặc kể câu chuyện một cách liền mạch.
Gia đình nam sinh cho biết, ngay từ nhỏ em đã không thuộc được lời của những bài hát hoặc bài thơ đơn giản như những bạn cùng lứa tuổi. Nam sinh khó thực hiện những động tác yêu cầu sự khéo léo của bàn tay như: lắp lego, đóng cúc.
Bác sĩ Tuyết cho hay, tới khi nam sinh đi học tiểu học, do khó khăn về ngôn ngữ nên nam sinh học tiếng việt kém. Nam sinh được gia đình miêu tả lại là khó hiểu về nội dung của câu chữ, khó khăn khi chép chính tả, chép sai từ trong sách sang vở. Về môn toán học cấp 1, nam sinh học giỏi nhưng nói chuyện không rành mạch, thường không nghĩ ra từ, thường xuyên phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể để mô tả lời nói.
Lên cấp 2, nam sinh học kém môn văn, có thể đọc hiểu tuy nhiên vốn từ ít, khó viết được một đoạn văn liền mạch. Nam sinh có khả năng tương tác xã hội kém.
Bác sĩ chia sẻ về rối loạn học tập (ảnh N.M).
Nam sinh gặp khó khăn trong mô tả diễn đạt và phải sử dụng những từ ngữ đơn giản thay vì dùng những từ láy phức tạp.
6 tháng nay, nam sinh học lớp 9 và chuyển trường mới nên bị bạn bè trêu vì cách nói chuyện. Nam sinh càng ít giao tiếp với mọi người, buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung.
Khi về nhà, nam sinh dễ nổi nóng, cáu gắt, cãi lại lời bố mẹ, có các hành vi như xoa đầu, giật tóc các bạn cùng lớp. Do có những biểu hiện bất thường nên gia đình đã đưa nam sinh đi khám.
“Nam sinh được chẩn đoán mắc rối loạn cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên – rối loạn học tập.
Bệnh nhân được điều trị nội trú bằng liệu pháp can thiệp tâm lý, hóa dược. Sau 10 ngày, các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt buồn chán thuyên giảm. Bệnh nhân được xuất viện và được tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý và cần hỗ trợ của các nhà giáo dục“, bác sĩ Tuyết nói.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc rối loạn học tập
Theo BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi – Thanh Thiếu niên, Viên sức khoẻ tâm thần Quốc Gia (Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành tích học tập kém. Đây là một rối loạn phát triển, khởi phát trong giai đoạn giáo dục bình thường.
Trong đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng 53% trẻ em bị khuyết tật đọc cũng bị khuyết tật toán học, trong khi 46% trẻ em bị khuyết tật toán học cũng bị khuyết tật về đọc.
Cụ thể, với rối loạn đọc: đây là dạng rối loạn phổ biến nhất (10-36% trẻ trong độ tuổi đi học) chiếm từ 3-12% dân số, thường gặp ở trẻ trai. Tỷ lệ cao đồng diễn ra với khuyết tật tính toán. Xảy ra tùy theo chủng tộc, vùng địa lý và cả ở ngôn ngữ.
Với rối loạn tính toán: đây là dạng rối loạn ít được nghiên cứu hơn. Xảy ra ở 5-8% trẻ. Bệnh có biểu hiện khác nhau ở các lứa tuổi, ví dụ như trẻ nhỏ thường khó khăn về các khái niệm số cơ bản, trẻ lớn hơn gặp khó khăn trong việc hiểu các thuật toán.
Rối loạn đọc được cho là do di truyền trội nhiễm sắc thể thường. Rối loạn học tập đã được chứng minh có liên quan tới vấn đề sinh hoá và giải phẫu não như chất dẫn truyền thần kinh liên quan tới quá trình học tập và củng cố bộ nhớ. Đặc biệt là các chất dẫn truyền thần kinh dopaminergic và serotoninergic đóng vai trò trong sự phát triển của quá trình nhận thức.
Nghiên cứu về thanh thiếu niên gặp khó khăn khi tính toán chỉ ra rằng bệnh nhân có ít chất xám ở thùy đỉnh trái hơn so với những người có khả năng trung bình, đặc biệt là ở vùng rãnh nội đỉnh.
Ngoài ra, rối loạn học tập còn có liên quan tới yếu tố môi trường. Chẳng hạn như trước khi sinh, trẻ bị phơi nhiễm cao với khói thuốc lá (>17mg nicotine/ngày) có liên quan tiêu cực đến hiệu suất đọc, đặc biệt trong việc giải mã các từ đơn và chính tả.
Bác sĩ Yến cho biết, trẻ bị rối loạn học tập từ khi sinh tới khi đi học mầm non sẽ có các dấu hiệu như: nói muộn, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái.
Tới độ tuổi tiểu học trẻ sẽ có những vấn đề như kiến thức kém về chữ cái, kỹ năng ghép vần hoặc âm vị kém.
Ở độ tuổi trung học trẻ sẽ gặp các vấn đề: Khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt; Từ vựng về hình ảnh ít; Gặp các vấn đề khi đọc từ tiểu thuyết; Chính tả khó giải mã; Diễn đạt kém; Suy giảm trí nhớ làm việc bằng lời nói…
Bác sĩ Yến cho biết điều trị rối loạn đọc quan trọng nhất là rèn kỹ năng đọc nhằm hướng sự chú ý của trẻ tới các kết nối giữa các âm lời nói và chính tả: Dạy các mối liên hệ giữa chữ cái và âm thanh; Dạy các âm tiết và từ.
Với rối loạn tính toán, trẻ cần được can thiệp sớm nhằm cải thiện kỹ năng tính toán cơ bản; Kết hợp giảng dạy các khái niệm toán học với thực hành liên tục trong việc giải quyết các vấn đề toán học như: Thẻ bài, sách bài tập, trò chơi máy tính.
Bác sĩ Yến cho biết can thiệp cho trẻ mắc rối loạn tính toán phức tạp bởi đa nguyên nhân và rối loạn đi kèm. Các can thiệp tác động đến: Kĩ năng cơ bản về số, hình thành và củng cố tư duy trừu tượng toán, quy tắc của toán, cách làm, tạo các kiến thức tự động.
Với rối loạn diễn đạt bằng ngôn ngữ viết, trẻ cầnthực hành trực tiếp chính tả và viết câu văn, xem xét lại các quy tắc ngữ pháp. Trẻ cần thực hiện các bài kiểm tra miệng, có một người ghi chép hoặc cho phép trẻ ghi bằng video thay vì viết.
Bác sĩ Yến cho biết khi trẻ có bất cứ bất thường nào về ngôn ngữ học tập, diễn đạt cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để loại bỏ nguy cơ rối loạn học tập. Việc điều trị sớm giúp trẻ nhanh chóng hoà nhập, tiến bộ trong học tập.