Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chính phủ có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020 của Quốc hội khóa XIV. Một trong những nội dung được báo cáo đề cập là công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều văn bản pháp luật “chết yểu”
Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định 554 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 88 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, đã thẩm định đối với 1.209 thủ tục hành chính tại 127 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 29 luật, 81 nghị định, 13 quyết định, 4 thông tư) do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo.
Chính phủ cho biết ngoài những kết quả đạt được, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn hạn chế. Một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn.
“Tuổi thọ” của một số văn bản quy phạm pháp luật quá ngắn, đặt ra vấn đề về công tác dự báo tình hình khi xây dựng chính sách. Điển hình là Nghị định 65/2022 được ban hành ngày 16-9-2022 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, chưa đầy 6 tháng sau, Chính phủ lại phải ban hành Nghị định 08/2023 (ngày 5-3-2023) để tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định 65/2022.
Quy định về giấy chuyển viện gây ít nhiều khó khăn cho người bệnh. Trong ảnh: Người dân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) Ảnh: HẢI YẾN
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 65/2022, trong một cuộc họp báo tại Bộ Tư pháp, phóng viên Báo Người Lao Động đã đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định khi mà một nghị định mới ban hành đã phải đứng trước yêu cầu sửa đổi? Đại diện Bộ Tư pháp khi đó cho rằng do yêu cầu của thực tiễn nên phải sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp.
Tương tự, Nghị định 27/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được ban hành mới hơn 1 năm, Chính phủ đã phải ban hành Nghị định 38/2023 (ngày 24-6-2023) để sửa đổi.
Chính phủ cũng nhìn nhận một số văn bản ban hành nhưng lại gây vướng mắc, cản trở sự phát triển. Kết quả rà soát cho thấy có tới 446 văn bản chứa quy định sơ hở, bất cập cần được xử lý. Trong số 116 văn bản quy định chi tiết được ban hành, có tới 72 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành chậm hơn so với hiệu lực thi hành của luật (chiếm 62,08%). Văn bản ban hành chậm nhất lên tới 3 năm 9 tháng.
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; tính đến nay vẫn còn 13 văn bản thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ chưa được ban hành…
Thay đổi thành phần ban soạn thảo luật
Luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho rằng việc đáp ứng yêu cầu của xã hội chưa bao giờ đơn giản, nhất là trong lĩnh vực pháp luật, ngay cả đối với các nước có quá trình lập phát phát triển lâu dài. Việt Nam cũng không ngoại lệ, ví dụ gần nhất là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở kỳ họp Quốc hội: Phiền phức từ giấy chuyển viện.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định việc khám chữa bệnh phân làm 3 cấp nêu rõ điều kiện cấp nào được khám chữa bệnh ở mức nào. Việc chuyển tuyến là nhằm mục đích bảo đảm đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân và khả năng khám chữa bệnh từng tuyến. Quy định về giấy chuyển viện ra đời trong các trường hợp bệnh nhân phải chuyển tuyến điều trị.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp do áp dụng máy móc dẫn đến nhiều phiền toái cho người bệnh. Ví dụ trường hợp điều trị ngoại trú, khi tái khám tại bệnh viện tuyến trên (đã chuyển viện trong lần điều trị trước) vẫn phải xin giấy chuyển viện tại tuyến dưới.
“Việc áp dụng giấy chuyển viện này mang tính thủ tục không có tác dụng trong điều trị cũng như phân cấp khám chữa bệnh. Hơn nữa, trong điều kiện số hóa hiện nay thì việc liên thông các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh có thể thực hiện trong tầm tay. Với trên 93% dân số Việt Nam có bảo hiểm y tế như hiện nay thì yêu cầu giản lược thủ tục như giấy chuyển viện rất nên được Bộ Y tế xem xét” – luật sư Tuấn đề nghị.
Thường xuyên có ý kiến về xây dựng thể chế, pháp luật, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhận định chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật. Điều đó dẫn đến các đạo luật chưa thể hướng dẫn được hành vi của con người và hệ quả của nó là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư không cụ thể nên người áp dụng pháp luật dễ dẫn đến tùy tiện và hậu quả là làm khổ người dân, khổ doanh nghiệp.
“Cần thay đổi cơ cấu của thành phần ban soạn thảo luật theo hướng nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn tham gia. Đặc biệt, đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật nếu được thông qua phải có mặt để bảo đảm tính khách quan trong chính sách, bởi họ chính là người chịu sự điều chỉnh của pháp luật” – đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) góp ý thêm rằng việc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình các ý kiến góp ý các dự án luật nếu được thực hiện thực chất sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. “Cần tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học… bằng các hình thức phù hợp” – ông Ứng nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội NGUYỄN VĂN HUY (đoàn Thái Bình):
Đại biểu Quốc hội NGUYỄN VĂN HUY
Cần cơ chế xây dựng pháp luật giữa các bộ, ngành
Thực tế cho thấy trong áp dụng, thực thi pháp luật tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau dẫn đến chuyện khôi hài: Địa phương ra văn bản hỏi bộ, bộ lại trả lời “đề nghị địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật”. Điều này có thể dẫn đến những sơ hở, lợi dụng trong việc thi hành pháp luật cũng như là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước và tệ tham nhũng, lãng phí.
Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời xem xét, duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh.
Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn:
Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN
Vì sao văn bản luật “chết trẻ?”
Nhiều văn bản pháp luật có tuổi thọ rất ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm hoãn thi hành để sửa đổi, bổ sung. Vấn đề này có thể lý giải từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan như sau:
Công tác xây dựng pháp luật vẫn còn thiếu chuyên nghiệp; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức còn yếu.
Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, người đứng đầu, các bộ phận tham mưu tuy đã có quy định nhưng còn chung chung. Đặc biệt, còn thiếu các chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật, chế tài đối với việc ban hành các văn bản pháp luật trái quy định.
Việc ban hành các văn bản dưới luật còn khá chậm dẫn đến bất cập trong vận dụng pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ban hành chiếm tỉ trọng quá lớn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến sự chồng chéo, cồng kềnh, mâu thuẫn; đồng thời làm giảm tính thống nhất, tính minh bạch của pháp luật.
Việc chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng các quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập.
Trình độ lý luận về pháp luật, khả năng tiếp cận, khả năng dự báo các quan hệ tranh chấp phát sinh còn kém, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội.
Tr.Hoàng – M.Chiến ghi