Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám phát biểu
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho hay nếu áp dụng phương án 1, e rằng người lao động không đồng tình. Còn với phương án 2 về cho phép người lao động rút 50%, theo đại biểu Tô Văn Tám, vấn đề đặt ra là tại sao là 50% mà không phải tỉ lệ khác.
Vị đại biểu cho rằng cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng bảo hiểm xã hội khi họ không còn điều kiện tham gia, bởi khi đó họ không thuộc diện bắt buộc tham gia. Bảo hiểm xã hội có phần người lao động đóng và phần chủ sử dụng đóng. Do đó, nên quy định theo hướng người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng chỉ được hưởng phần mình đóng, còn phần chủ sử dụng lao động đóng được bảo lưu để sau này có điều kiện tham gia.
Ý kiến này của đại biểu Tô Văn Tám nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội khác.
Góp ý vào dự thảo luật, về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (đoàn tỉnh Hà Nam) bày tỏ tán thành với dự thảo luật nhưng còn băn khoăn việc ban hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có những sửa đổi căn bản để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so với Luật năm 2006, trong đó các nhóm bổ sung, có nhóm người lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Đại biểu Trần Thị Hiền phát biểu tại nghị trường Quốc hội
Theo đại biểu Trần Thị Hiền, dự thảo luật trình Quốc hội lần này tiếp tục có những quy định để mở rộng đối tượng tham gia theo tinh thần của Nghị quyết số 28 và phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nữ đại biểu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhận thấy rằng quá trình triển khai trên thực tế cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để bảo đảm hơn tính khả thi khi quy định mở động đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là: Đối với nhiều dự án, công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi nơi ít có nhà máy, công ty, ít có điều kiện để có thể có người lao động làm việc dài hạn, khi triển khai người sử dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ.
Mặc khác, việc tham gia cũng trên cơ sở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc giản đơn, lao động chân tay. Từ 3 đến 6 tháng khi dự án, công trình kết thúc thì người lao động lại quay trở về với công việc đồng áng thường ngày và gần như rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng bảo hiểm xã hội, kể cả là tham gia tự nguyện.
Đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc để có thể phân loại và quy định thêm một số điều kiện để cho phép trong một số trường hợp cụ thể nên trao quyền để người lao động được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm cả phần bảo hiểm xã hội để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về bảo hiểm xã hội tự nguyện (chương VI dự thảo luật), dẫn chứng một số điểm để thấy sự khác biệt về chính sách, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị dự thảo luật cần tính đến hướng mở rộng đối tượng và thiết kế chính sách đa tầng trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cần quan tâm đến bảo hiểm xã hội tự nguyện đa tầng, cần cân đối phù hợp các chính sách giữa các hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; có gói dịch vụ phù hợp để khuyến khích người dân chủ động hơn tham gia bảo hiểm xã hội, vì bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột chính trong an sinh xã hội, thiết kế nhiều gói chính sách để người lao động được quyền lựa chọn hình thức và mức độ tham gia.