Sinh con đầu lòng ở tuổi 45 sau 8 lần mang thai thất bại

Ngày 7/12, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đây là lần mang thai thứ 9 của sản phụ L.T.T.H (SN 1978, quê tại Ninh Bình).

Trước đó, chị từng 5 lần thai lưu, 3 lần chửa ngoài tử cung, nhiều lần thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không thành công.

Lần chuyển phôi này, chị quyết định nếu thất bại thì sẽ dừng can thiệp hỗ trợ. Chị H. may mắn chuyển phôi thành công và có thai.

Sinh con đầu lòng ở tuổi 45 sau 8 lần mang thai thất bại - Ảnh 1.

Bé gái chào đời khỏe mạnh, nặng 2,8 kg. (Ảnh: BVCC)

Quá trình mang thai, chị mắc tiểu đường thai kỳ, phải điều trị và theo dõi sát sao. Ở tuần thai 38, bác sĩ đánh giá đây là thời điểm phù hợp để mổ lấy thai. Bé gái chào đời khỏe mạnh, nặng 2,8 kg, thành quả xứng đáng sau 18 năm chờ đợi.

Do sản phụ H. lớn tuổi nên việc thụ tinh ống nghiệm rất khó khăn. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi đã lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường cao hơn. Mẹ càng lớn tuổi, nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo.

Tháng 6/2023, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cũng mổ đẻ thành công cho một sản phụ sinh năm 1963, có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Trước khi hỗ trợ sinh sản, sản phụ này đã được bác sĩ phân tích về những nguy cơ tiềm ẩn khi thực hiện IVF và cả quá trình mang thai sau này.

Người phụ nữ đậu thai sau lần chuyển phôi thứ 2. Thai kỳ diễn ra thuận lợi, ngày 1/6/2023 thai phụ chuyển dạ, mổ đẻ tại bệnh viện. Bé gái nặng 3,1 kg chào đời khoẻ mạnh.

Theo các bác sỹ, mang thai và sinh đẻ ở độ tuổi cao rất nguy hiểm. Thai nhi nguy cơ xảy ra dị tật cao hơn so với phụ nữ trẻ tuổi. Ngoài ra, họ còn đối mặt với các bệnh lý như tiểu đường, thậm chí thai lưu.

Đặc biệt, quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng, nhất là việc xương bị lão hóa, khung xương chậu không còn như thời trẻ nên gây khó khăn cho quá trình sinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *