Thủ tướng Chính phủ: Vướng quá nhiều quy định, thì còn gì là cơ chế đặc thù?

Sáng 26-11, tại TP HCM diễn ra hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thành lập theo Quyết định 850/2023 của Thủ tướng Chính phủ triển khai Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 850).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo 850; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 850; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 850 đồng chủ trì hội nghị.

Đạt một số kết quả khích lệ

Đánh giá chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP HCM sau 4 gần 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 98 đều nhìn nhận đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Một số cơ chế, chính sách đã thực thi, gồm: bố trí vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm (đã bố trí 2.796 tỉ đồng, giải ngân 1.560 tỉ đồng); chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức mở rộng thêm một số hội đặc thù và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; tổ chức bộ máy TP Thủ Đức; tăng số lượng phó chủ tịch UBND cho 3 quận, TP Thủ Đức và 52 phường, xã.

“Chúng ta đã hoàn thành được khối lượng rất lớn sau 4 tháng Nghị quyết có hiệu lực nhưng một số nhiệm vụ về thể chế hóa vẫn còn chậm. Một số nội dung mới cần có thời gian nghiên cứu, cần có sự phối hợp đa ngành giữa Trung ương và thành phố”- Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi thẳng thắn và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành giúp cho TP HCM về vấn đề này.

Thủ tướng: Đã là cơ chế đặc thù mà còn vướng cả rừng quy định - Ảnh 1.

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo 850 diễn ra tại TP HCM sáng 26-11

Đi cụ thể vào vấn đề còn vướng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết việc thanh toán dự án BT bằng tiền không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nên không có cơ sở để khẳng định thẩm quyền trình tự, thủ tục ký kết và quản lý hợp đồng BT.

“Chưa kể, việc ký kết, quản lý hợp đồng BT còn có các ý kiến khác nhau của các bộ ngành là áp dụng theo Luật Xây dựng, Luật Đầu tư nên khó khăn khi xây dựng dự thảo nghị định”- ông Võ Thành Hưng nói.

Về lãi vay dự án BT, đại diện Bộ Tài chính cho biết UBND TP HCM đề xuất áp dụng trong và sau thời gian xây dựng dự án, Nghị quyết 98 thì quy định thanh toán lãi vay sau thời gian hoàn thành. Căn cứ Nghị định 10/2020 xác định chi phí lãi vay, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo theo hướng hỗ trợ lãi vay sau khi hoàn thành, còn trong thời gian xây dựng thì áp dụng theo Luật Xây dựng.

Phải có tư tưởng tấn công

Khi nghe đến vướng mắc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi ban hành cơ chế đặc thù thì phải vận dụng những gì thông thoáng nhất, chứ có cơ chế đặc thù rồi mà còn vướng quá nhiều quy định, rồi còn chờ thống nhất với nhau thì còn gì là đặc thù nữa.

Theo Thủ tướng, không có nghị quyết, văn bản nào bao phủ hết được thực tiễn đời sống, tại thời điểm xây dựng cũng chưa lường trước hết dược. Do vậy, tinh thần chung đã đặc thù thì vận dụng những gì thông thoáng nhất, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát; không để tham nhũng, tiêu cực về mặt chính sách.

Thủ tướng: Đã là cơ chế đặc thù mà còn vướng cả rừng quy định - Ảnh 2.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo 850

Thủ tướng lưu ý khi làm văn bản thấy không thông thì phải báo cáo Phó thủ tướng phụ trách, còn nếu không thông nữa thì báo cáo Thủ tướng theo quy chế làm việc của Chính phủ.

“Bây giờ vướng Luật PPP, Luật Xây dựng, vướng hết cả thì cần gì ban hành cơ chế đặc thù nữa”- Thủ tướng nói và yêu cầu khi tháo gỡ phải có đầu ra, chứ không thắt nút lại.

Về quy định lãi vay dự án BT, Thủ tướng yêu cầu cố gắng ban hành trong tháng 12-2023, khi ban hành rồi thì TP HCM phải làm được, có công cụ để yên tâm thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành giải quyết dứt điểm. “Ngồi ở đây bàn để tháo gỡ, bàn có đầu ra, bàn để thực hiện Nghị quyết cho tốt. Phải có tư tưởng tấn công, thứ nhất là phân cấp, thứ 2 là xóa bỏ thủ tục rườm rà, thứ 3 là làm cho công việc đơn giản”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Nghị quyết 98 mang tính cách mạng và cải cách rất mạnh

Tiếp lời Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nêu quan điểm: “Nghị quyết lần này là thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP HCM. Nghĩa là nó mang tính cách mạng và cải cách rất mạnh”.

Nhắc lại khoản 5, Điều 12 trong Nghị quyết 98: “Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất”, Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh điểm này rất quan trọng, nếu không lưu ý sẽ vướng ngay chỗ này.

“Nghị quyết mở hành lang để chúng ta đột phá. Đây là chủ trương chung của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ… để thực hiện thí điểm trên địa bàn thành phố, chứ không phải là cho riêng thành phố”- Bí thư Thành ủy TP HCM nói.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Nghị quyết 98 phải sơ kết trong 3 năm, tổng kết trong 5 năm, nếu chúng ta chần chừ, lẩn quẩn, nói qua nói lại do cái này cái kia thì mất cơ hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *