Kể từ khi Harman đưa ra lý thuyết về lão hóa gốc tự do vào năm 1954, ngày càng có nhiều tài liệu khẳng định vai trò của các gốc tự do trong quá trình lão hóa. Các gốc tự do có liên quan đến quá trình lão hóa và một loạt bệnh lý.
Quá nhiều gốc tự do khiến con người già đi
Trên thực tế, cơ thể chúng ta đang sản sinh ra các gốc tự do mọi lúc. Ví dụ như quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng lớn các gốc tự do. Cơ thể cũng sản sinh ra các gốc tự do khi tập thể dục. Ngoài ra tia cực tím, ô nhiễm không khí và hút thuốc cũng sẽ thúc đẩy cơ thể sản sinh ra các gốc tự do.
Nhưng đừng quá lo lắng, chúng ta có một hệ thống chống oxy hóa mạnh mẽ trong cơ thể, loại bỏ các gốc tự do. Nhưng khi chúng ta già đi, khả năng chống lại các gốc tự do sẽ giảm dần. Quá nhiều gốc tự do sẽ tấn công các tế bào không ngừng nghỉ, gây tổn thương màng tế bào, protein, DNA, khiến cơ thể lão hóa nhanh và mắc nhiều bệnh hơn.
Top 9 loại thực phẩm là “vua” của các chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là các phân tử giúp chống lại stress oxy hóa. Stress oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do làm tổn thương tế bào khỏe mạnh và được cho là có vai trò gây ra nhiều loại bệnh như ung thư, đái tháo đường, Alzheimer, Parkinson và bệnh tim. Stress oxy hóa cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình lão hóa.
Khi nói đến thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu nhiều người có thể là trái cây và rau quả sẫm màu, nhưng trên thực tế, các loại thực phẩm khác có khả năng chống oxy hóa mạnh không kém.
Trong một tài liệu được công bố trên Tạp chí Nutrition, các nhà khoa học đã kiểm tra hàm lượng chất chống oxy hóa của hơn 3.000 loại thực phẩm. Từ kết quả thu được rút ra 9 loại thực phẩm được coi là “vua” của các chất chống oxy hóa, vừa dễ kiếm lại dễ ăn.
1. Quả mọng
Các loại quả mọng rất giàu chất chống oxy hóa gồm vitamin C, flavonoid, tannin, resveratrol, axit phenolic, lignans… Chính vì vậy, chúng được coi là một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời.
Quả việt quất, dâu tây, kiwi và dâu tằm cũng được khuyến khích tiêu thụ mặc dù hàm lượng chất chống oxy hóa của chúng không cao như quả mâm xôi, nam việt quất và nho đen.
2. Bắp cải tím
Bắp cải tím rất giàu 2 chất chống oxy hóa là glycoside thiosinolate và anthocyanin. Bắp cải tím cũng rất giàu vitamin C – một chất hoạt động như chất chống oxy hóa trong cơ thể và có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Tuy nhiên, cách chế biến bắp cải tím cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ chống oxy hóa. Luộc và xào bắp cải tím có thể tăng cường chất chống oxy hóa, trong khi hấp có thể làm giảm hàm lượng chất này.
3. Sô cô la đen
Một tin vui đối với những tín đồ của sô cô la đen là món ăn ngọt yêu thích của họ cung cấp một lượng dồi dào chất chống oxy hóa. Tuy nhiên hãy nhớ là không ăn sô cô la có hàm lượng ca cao cao mà nên chọn loại sẫm màu hơn.
4. Quả óc chó
So với hầu hết các loại hạt thông thường khác thì quả óc chó có nhiều polyphenol nhất, một trong các chất chống oxy hóa trong thực phẩm làm chậm quá trình oxy hóa. Bạn chỉ cần ăn khoảng 1-2 quả mỗi ngày để nhận được những lợi ích cho sức khỏe.
5. Atisô
Atisô đặc biệt giàu chất chống oxy hóa được gọi là axit chlorogenic. Các nghiên cứu cho thấy rằng lợi ích chống oxy hóa và chống viêm của axit chlorogenic có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, tiểu đường type 2 và bệnh tim.
Tùy thuộc vào cách chế biến mà hàm lượng chất chống oxy hóa của atisô có thể khác nhau. Đun sôi atiso có thể tăng hàm lượng chất chống oxy hóa lên 8 lần, hấp làm tăng 15 lần. Nhưng atiso xào có thể làm giảm hàm lượng chất chống oxy hóa của chúng.
6. Cải bó xôi
Cải bó xôi cũng là một nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin tuyệt vời. Đây là hai chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi tác hại của tia UV và các ánh sáng có hại khác.
7. Ớt chuông
Tất cả các loại ớt chuông đều là những thực phẩm chống oxy hoá tốt, nhưng ớt chuông đỏ đứng đầu danh sách. Chúng chứa carotenoid có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Ớt chuông có vị ngọt để ăn nhẹ khi ăn sống, đó là cách chúng cung cấp chất chống oxy hóa tốt nhất.
8. Tỏi
Khi nói đến sức mạnh của thực phẩm chống oxy hóa không thể không nhắc đến tỏi. Allicin, chất chống oxy hóa có trong tỏi cần vài phút để bắt đầu hoạt động sau khi bạn nghiền nát hoặc cắt nhỏ. Một mẹo để giữ lại được tối đa hàm lượng chất chống oxy hóa trong tỏi là bạn hãy chế biến ở nhiệt độ dưới 60 độ C hoặc đợi cho đến khi nấu gần xong rồi mới cho tỏi vào.
9. Củ dền
Trong loại củ này có chứa chất chống oxy hóa tên là betalain mang đến nhiều lợi ích. Betalains có thể giúp phòng ngừa ung thư ruột kết và các vấn đề tiêu hóa. Củ dền cũng là nguồn cung cấp chất xơ, sắt, folate và kali dồi dào, những chất này có thể giúp giảm viêm nhiễm.
Những phân tử chống oxy hóa do cơ thể tổng hợp thường không đủ nên bạn sẽ cần bổ sung loại dưỡng chất thiết yếu này từ chế độ ăn uống. Thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm trên có thể góp phần ngăn ngừa một số bệnh lý mãn tính.