Đã bao nhiêu lần bạn thức dậy vào buổi sáng sau một đêm say và lo lắng cho sức khỏe của mình vì thấy những dấu hiệu bất ổn?
Nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua cảm giác nôn nao choáng váng sau khi uống rượu và cho rằng đó là điều bình thường. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể cảnh báo các tình trạng nghiêm trọng.
Tiến sĩ Joshua Berkowitz, giám đốc y tế tại Phòng khám IVBOOST UK (ở Vương quốc Anh), nói rằng ethanol, loại carbohydrate độc hại trong đồ uống có cồn, thúc đẩy quá trình lợi tiểu. Trong quá trình này, thận cố gắng loại bỏ chất có hại và do đó dẫn đến việc đi tiểu nhiều.
Đổi lại, quá trình này dẫn đến tình trạng mất nước – một trong những nguyên nhân chính khiến mọi người khó chịu và mệt mỏi sau khi uống rượu.
Rượu gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng cảm giác buồn nôn và nôn. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Berkowitz cho biết: “Rượu gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng cảm giác buồn nôn và nôn. Tệ hơn nữa, rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde, chất rất độc với gan và não, dẫn đến đau đầu dữ dội – một dấu hiệu khác khi say rượu”.
7 triệu chứng đáng lo ngại khi say rượu
Mặc dù tình trạng say rượu nhẹ có thể khiến bạn cảm thấy hơi mệt mỏi và khát nước, nhưng tình trạng say nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến buồn nôn, tiêu chảy, đổ mồ hôi và nôn mửa dữ dội, từ đó sẽ dẫn đến mất nước nghiêm trọng.
Tiến sĩ Berkowitz giải thích: “Mất nước nghiêm trọng là một tình trạng cần chú ý vì nó có thể làm giảm khả năng phán đoán, thăng bằng, chức năng nhận thức và trao đổi chất”.
Say rượu nghiêm trọng có thể dẫn đến buồn nôn, tiêu chảy, đổ mồ hôi và nôn mửa dữ dội, từ đó sẽ dẫn đến mất nước nghiêm trọng.
Tiến sĩ Berkowitz khuyến cáo mọi người nên đi khám nếu thấy 7 dấu hiệu sau:
– 10 tiếng trôi qua mà không đi tiểu
– Có máu trong chất nôn
– Đi ngoài phân lỏng
– Mất thăng bằng
– Nhìn mờ
– Mất khả năng suy nghĩ logic
– Bắt đầu thể hiện hành vi bất thường/kỳ lạ.
Tại sao một số người say rượu nặng hơn những người khác?
Về vấn đề này, tiến sĩ Berkowtiz giải thích: “Hầu hết mọi người đều có thể dung nạp một lượng rất nhỏ rượu vào bất kỳ lúc nào. Thế nhưng, bằng cách ‘luyện tập’, gan, não và quá trình trao đổi chất nói chung của họ sẽ học cách dung nạp rượu nhiều hơn”.
“Cơ thể và các cơ quan khác sẽ sản xuất ra lượng enzyme cần thiết ngày càng tăng để đối phó với lượng rượu tiêu thụ ngày càng tăng”.
“Tuy nhiên, sự ‘luyện tập’ này gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là não và gan”.
Phòng tránh say rượu
Một mẹo quan trọng để ngăn ngừa say rượu là uống ít hơn. Ngoài ra, bạn có thể ăn trước khi uống, tránh các loại rượu nặng, uống nhiều nước.
Tiến sĩ Berkowitz cho biết: “Tránh các loại rượu nặng như whisky, tequila, cognac và bourbon có chứa hàm lượng hóa chất độc hại cao được gọi là congener, những chất này cũng góp phần gây ra cảm giác say”.
“Tránh uống quá nhiều cocktail vì chúng có nhiều đường và che giấu khả năng độc hại của chúng vì chúng ta có xu hướng uống quá nhanh!”.
Tiến sĩ Berkowitz cũng nói rằng trong quá trình phục hồi sau cơn say, tốt nhất bạn nên tránh dùng caffeine vì điều này có thể làm tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn.
Ông nói: “Hãy bổ sung nước cho cơ thể suốt cả ngày. Uống nước ngay cả khi bạn không khát và bổ sung chất lỏng cũng như chất điện giải vào chế độ ăn uống của bạn”.
(Theo The Sun)
https://soha.vn/tien-si-anh-uong-ruou-bia-xong-neu-thay-7-dau-hieu-nay-thi-phai-di-kham-ngay-20231117104837005.htm