Theo BS.CKII Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, về lý thuyết bỏ giấy chuyển viện sẽ tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận với đội ngũ chuyên gia tay nghề cao và máy móc hiện đại, nhưng cần xem xét kỹ lưỡng việc này.
“Nếu cơ chế quá mở có thể sẽ trái với quan điểm của Chính phủ đưa y tế cơ sở hiện đại về gần dân. Khi thông tuyến, người dân sẽ bỏ lên hết tuyến trên thì lấy ai ở lại tuyến cơ sở?”, ông Dũng nói.
Ông cũng lo ngại tình trạng thông tuyến khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải, việc phục vụ người bệnh không hiệu quả dẫn đến phá vỡ hệ thống y tế. Trong khi đó, bệnh viện huyện, tỉnh sẽ tê liệt, không có bệnh nhân, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu. Chưa kể, nếu tuyến y tế cơ sở không có bệnh nhân, bác sĩ không được thực hành, chuyên môn sẽ ngày càng bị thui chột.
Người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội. (Ảnh: Ngô Nhung)
Vì vậy, trong điều kiện hiện nay chưa thể bãi bỏ giấy chuyển viện. Việc các nhà hoạch định chính sách cần làm là phân cấp cụ thể trường hợp người bệnh nào nên chuyển lên tuyến trên, bệnh nhân nào nên để tuyến dưới điều trị.
Cùng với đó, y tế cơ sở phải đảm bảo chuyên môn, trang thiết bị, thuốc men, thay đổi thái độ giao tiếp nhằm tạo niềm tin cho người dân. Khi người dân có niềm tin, họ sẽ tự ở lại y tế cơ sở, không đổ dồn lên tuyến trên.
Với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, ông Dũng cho biết, người bệnh sẽ được chuyển tuyến trong 3 trường hợp là: Vượt quá khả năng của bệnh viện (các bệnh liên quan đến thay tạng), các mặt bệnh nội khoa điều trị lâu ngày không cải thiện và chuyển theo yêu cầu, người bệnh tự chi trả chi phí điều trị.
Đồng quan điểm trên, phó giám đốc một bệnh viện tuyến trung ương nói nếu thông tuyến, người dân sẽ ồ ạt lên tuyến trên, khi đó bệnh viện tuyến dưới không có bệnh nhân, khó hoạt động. Nếu muốn bãi bỏ giấy chuyển viện, tuyến y tế cơ sở buộc phải thật sự mạnh về chuyên môn và trang thiết bị y tế, lúc đó người dân sẽ tin tưởng và không còn đổ xô lên tuyến trên.
Vị này dẫn chứng các bệnh lý như huyết áp cao, đái tháo đường, y tế tuyến dưới hoàn toàn có thể xử lý được nhưng thực tế ít người đến trạm y tế hoặc trung tâm y tế lĩnh thuốc. “Họ thường truyền tai nhau lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương mới có thuốc tốt và rồng rắn lên tuyến trên, dẫn đến bệnh viện đã quá tải nay lại càng đông đúc hơn”.
Thực tế, nhiều người có điều kiện, hàng tháng họ sẵn sàng bỏ ra vài triệu lên tuyến trung ương khám nhưng với người không có điều kiện thì đó là khoản rất lớn. Vì vậy, người dân cần phải chuẩn bị tâm lý, đánh giá đến được chỗ cần đến.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 20/11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế, để “người dân chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc”.
Quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh muốn chuyển lên trung ương thì phải xin giấy chuyển viện. Nhiều người than phiền điều này rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi, đề nghị có thể đi khám bất cứ cơ sở nào mong muốn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định vai trò giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết. Áp dụng hình thức chuyển tuyến điện tử đáp ứng yêu cầu chữa bệnh cho người dân, phù hợp với khả năng chữa bệnh ở từng tuyến. Ngoài ra việc này còn tránh quá tải dồn hết lên trên tuyến trên.
Từ 2014, việc chuyển từ tuyến dưới lên trên phải theo tuần tự, nhưng đến năm 2016 thông tuyến cấp huyện và năm 2021 thông tuyến toàn tỉnh. Hiện chuyển tuyến được thực hiện thành 2 luồng. Một là từ tuyến dưới lên tuyến trên. Hai là từ tuyến trên xuống tuyến dưới.
Bộ Y tế đang tập trung chỉ đạo vấn đề sử dụng hình thức chuyển tuyến điện tử cũng như hồ sơ quản lý sức khoẻ điện tử để giảm bớt những khó khăn, thủ tục cho người dân.