Theo tài liệu Báo Người Lao Động thu thập được, ngày 12-10-2023, Bộ Công Thương đã có tờ trình số 7146/TTr-BCT do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ký, gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII).
Đưa 3 thủy điện Đắk R’lấp vào dự thảo kế hoạch
Trong tờ trình này, Bộ Công Thương cho rằng “Việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII là cần thiết để triển khai các nội dung đã được xác định trong Quy hoạch Điện VIII, đặc biệt là xác định cụ thể về trách nhiệm, tiến độ và việc huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án của ngành điện”.
Đáng lưu ý, tại tờ trình này, Bộ Công Thương lại đưa 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 vào danh sách dự án thủy điện tiềm năng được nghiên cứu phát triển đến năm 2030. Trong đó, dự án thủy điện Đắk R’lấp 1 có công suất 53 MW, Đắk R’lấp 2 là 68 MW và Đắk R’lấp 3 là 82 MW. Điều này “rất phù hợp” với nguyện vọng doanh nghiệp đề xuất là Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng sạch Tây Nguyên, khi đề nghị đầu tư và phát triển 3 dự án thủy điện trên trong giai đoạn 2026-2030(!).
Trong danh sách các dự án thủy điện tiềm năng này, còn có 11 dự án thủy điện khác. Tuy nhiên, chỉ có 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 có lưu ý bằng dấu *. Theo đó, “Các dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, Đắk R’lấp 2 và Đắk R’lấp 3 phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường, đất đai, ảnh hưởng rừng đến dự án”. Đây là những điều Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở khi ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023 về phê duyệt Quy hoạch Điện VIII.
Ba dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 được vào tờ trình Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
3 lần trình đều có các dự án thủy điện Đắk R’lấp
Đây là tờ trình đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII lần 3 của Bộ Công Thương gửi Chính phủ. Trước đó, ngày 12-7-2023, Bộ Công Thương đã có tờ trình lần 1 số 4548/TTr-BCT, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Từ tờ trình này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.
Đến ngày 31-8-2023, Bộ Công Thương tiếp tục có tờ trình lần 2 số 6046/TTr-BCT đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Ngày 8-9-2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Sau đó, ngày 14-9-2023, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt các ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Theo đó, yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của các bộ, cơ quan tại cuộc họp để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Trong đó thực hiện thủ tục lấy ý kiến các địa phương có liên quan và tổ chức tiếp tục nghiên cứu theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 22-9-2023, Bộ Công Thương có văn bản gửi lấy ý kiến các địa phương. Đến khi Bộ Công Thương có tờ trình lần 3 số 7146/TTr-BCT, chỉ mới có 47/63 địa phương có đóng góp ý kiến về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Cả 3 lần trình Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương đều đưa 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 vào danh sách các dự án thủy điện tiềm năng được nghiên cứu phát triển đến năm 2030.
Hiện kế hoạch này vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong khi đó, trả lời Báo Người Lao Động vào ngày 17-11, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, lại khẳng định 3 dự án thủy điện trên “chưa được đưa vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII mà Bộ Công Thương trình Chính phủ” (!?).
“Dẹp ngay chứ không đánh đổi được”
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 18-11, ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng, cho biết quan điểm của Đoàn ĐBQH tỉnh là không bao giờ đồng ý cho việc đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế. Theo ông Tạo, 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 do Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng sạch Tây Nguyên đề xuất có vị trí trong rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đây là rừng cấm và cũng gần vị trí của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã bị loại khỏi Quy hoạch Điện VII. Do đó, phải hết sức cẩn thận, đánh giá, cân nhắc thật kỹ càng.
Vị này cũng cho rằng không loại trừ khả năng 3 dự án thủy điện đề xuất nằm ở vị trí gần 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã bị hủy bỏ, cùng nằm trên sông Đồng Nai nên việc không lấy tên “Đồng Nai” đặt cho các dự án là tránh sự phản ứng.
“Nếu đụng vào rừng cấm quốc gia thì nên dẹp ngay chứ không đánh đổi được” – ông Tạo khẳng định và cho biết thêm Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng sẽ có văn bản chất vấn các bộ, ngành, cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, để rà soát, xem xét lại.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-11