Còn 7 tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn an toàn

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ này đang xây dựng quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ và dự kiến trong quý I/2024 sẽ ban hành.

Khắc phục các tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn

Bộ Công an mới đây cũng có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc.

Theo báo cáo, qua khảo sát toàn bộ các tuyến cao tốc và đoạn La Sơn – Cam Lộ đang khai thác, sử dụng, Bộ Công an đã phát hiện 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng như: Không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không bảo đảm hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế… trên tuyến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ va chạm khác, nhất là một số tuyến mới đưa vào khai thác. Điển hình, các tuyến cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Nha Trang – Cam Lâm, Trung Lương – Mỹ Thuận có 4 làn đường xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến mà khoảng cách 4-5 km bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp.

Còn 7 tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn an toàn - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc La Sơn – Cam Lộ nhìn từ trên cao Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Một số tuyến đường trong quá trình khai thác, sử dụng chất lượng bị xuống cấp, hằn lún, lưu thông không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa như: Cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, đoạn La Sơn – Cam Lộ. Riêng tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai sau thời gian dài khai thác, thu phí (từ năm 2014), mặc dù lưu lượng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đoạn Yên Bái – Lào Cai vẫn chưa tiến hành đầu tư mở rộng lên 4-6 làn xe theo đúng phê duyệt. Đối với những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; những tuyến không có làn dừng khẩn cấp khi xảy sự cố, tai nạn giao thông thì lực lượng chức năng khó tiếp cận điểm xảy ra vụ việc để xử lý, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông liên hoàn và ùn tắc giao thông kéo dài. Mặt khác, trên một số tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, chưa bố trí được trụ sở làm việc, bãi tạm giữ phương tiện, nơi tiếp dân, xử lý vi phạm theo quy định gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Vì vậy, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục các bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến; xây dựng lộ trình cụ thể nâng cấp, cải tạo 7 tuyến cao tốc chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc; triển khai xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông đối với các tuyến đang khai thác.

Cấu tạo mặt đường phải giống nhau

PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng hiện Việt Nam đã có tiêu chuẩn về đường ô tô cao tốc TCVN 5729 : 2012 được ban hành năm 2012, đã tiệm cận được những điều kiện tối thiểu của đường cao tốc, tuy nhiên việc vận dụng của chúng ta chưa tuân thủ hết. “Trong TCVN 5729 : 2012, định nghĩa về đường cao tốc khá chuẩn, yêu cầu tối thiểu là phải bảo đảm giao thông và mục đích cuối cùng của quy chuẩn là đạt những điều kiện để bảo đảm an toàn và sự bền lâu cho công trình. Tiêu chuẩn về đường cao tốc hiện nay vẫn đang còn nguyên giá trị, quy định khá đầy đủ, từ thiết kế tuyến cho đến công trình cụ thể, thiết kế để bảo đảm an toàn” – PGS-TS Trần Chủng nói.

Chuyên gia này cũng là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng nếu xây dựng quy chuẩn mới về đường cao tốc cần phải lập đề án để xây dựng quy chuẩn, trong đó phải làm rõ mục tiêu sẽ giải quyết những vấn đề cụ thể, phạm vi và nội dung chi tiết của quy chuẩn. Trong quá trình biên soạn cần phải tham vấn những tiêu chuẩn tương ứng của quốc tế, để sau này nếu có doanh nghiệp nước ngoài tham gia thiết kế cao tốc phải tuân thủ quy chuẩn ấy. Theo ông Chủng, khái niệm “tiêu chuẩn” đôi khi có thể tự nguyện lựa chọn tiêu chuẩn thích hợp để áp dụng cho dự án, còn “quy chuẩn” bắt buộc phải áp dụng. “Cần có thiết kế sơ bộ của quy chuẩn về xây dựng đường cao tốc, từ đó các nhà khoa học sẽ thảo luận và lựa chọn nội dung để hoàn thiện quy chuẩn” – ông nói. PGS-TS Trần Chủng cho rằng hiện có suy nghĩ đường cao tốc thì tốc độ là quan trọng, nhưng đường cao tốc có ý nghĩa cơ bản là xe chạy với vận tốc cao liên tục. Vì vậy, đường cao tốc có thể quy định tốc độ khác nhau tùy điều kiện về môi trường, không gian, địa mạo, lưu lượng xe…. Hiện Việt Nam quy định 4 loại tốc độ: 60 km/giờ, 80 km/giờ, 100 km/giờ và 120 km/giờ. Để bảo đảm cho phương tiện chạy liên tục với tốc độ tương ứng thì cấu tạo của mặt cắt đường phải giống nhau, có thể 3 làn xe, 4 làn xe hoặc 8 làn xe, trên cơ sở lưu lượng xe và nhu cầu để chọn số làn xe tương ứng.

“Đường khẩn cấp thì phải có làn dừng khẩn cấp, nhưng một số quốc gia vẫn dùng biển khẩn cấp, vấn đề là tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông cho toàn tuyến để xe có thể chạy liên tục trên tuyến với tốc độ cao trong suốt cả hành trình” – PGS-TS Trần Chủng lưu ý. 

Đầu năm 2024 sẽ có quy chuẩn đường cao tốc

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về kế hoạch xây dựng quy chuẩn đường cao tốc, các căn cứ xây dựng, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất dự thảo khung quy chuẩn, báo cáo trước ngày 30-11-2023. Trước đó, ngày 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 79 yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *