Công bố quy hoạch Đà Nẵng tầm nhìn đến 2050

Sáng 25-11, UBND TP Đà Nẵng công bố quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến dự và trao quyết định quy hoạch cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh.

Công bố quy hoạch Đà Nẵng tầm nhìn đến 2050  - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định quy hoạch cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh

Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 2-11. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD. Trong đó, du lịch được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Về không gian đô thị, toàn thành phố tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái,với 12 phân khu; điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (quận Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực; phát triển toàn thành phố trở thành một điểm du lịch lớn.

Công bố quy hoạch Đà Nẵng tầm nhìn đến 2050  - Ảnh 2.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới, được kỳ vọng tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế – xã hội

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết thành phố dự kiến thực hiện sớm 6 nội dung theo bản quy hoạch, như thực hiện hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh liên kết vùng; phát huy nguồn lực đất đai, quản lý phát triển đô thị và nông thôn.

Thêm vào đó, huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch thông qua việc huy động vốn đầu tư phát triển (dự kiến giai đoạn 2021-2030 khoảng 800.000 tỉ đồng, thu hút vốn FDI khoảng 10-15% tổng vốn đầu tư); xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trên các lĩnh vực.

Theo ông Nam, các dự án tiêu biểu của thành phố trong thời gian tới là xây dựng bến cảng Liên Chiểu, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố, chuyển đổi Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch (sau khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động); các dự án phát triển du lịch khu vực Hải Vân, Liên Chiểu, bán đảo Sơn Trà, Hòa Vang…

Công bố quy hoạch Đà Nẵng tầm nhìn đến 2050  - Ảnh 3.

Một góc trung tâm thành phố Đà Nẵng hai bờ sông Hàn

Thành phố cũng thực hiện đầu tư và thu hút đầu tư các dự án đô thị, tái thiết, chỉnh trang đô thị, các khu tái định cư, chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Thí điểm các dự án tái thiết đô thị, hình thành các đô thị nén tại phường Bình Hiên (quận Hải Châu), phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), phường An Hải Tây (quận Sơn Trà).

Lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ giám sát thực hiện quy hoạch thông qua tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong giai đoạn mới.

“Lãnh đạo thành phố sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai để doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp các ý tưởng, triển khai các dự án phù hợp với các mục tiêu đã xây dựng” – ông Chinh cam kết.

Nêu ý kiến tại lễ công bố quy hoạch, nhiều đại diện các tập đoàn lớn cho rằng dư địa về đất đai ở Đà Nẵng không còn nhiều, nên việc lựa chọn tri thức với công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế thời gian đến là phù hợp.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, thời điểm Đà Nẵng công bố quy hoạch cũng là lúc Việt Nam được chọn là điểm đến, điểm tựa cho ngành công nghiệp bán dẫn. “Đây là thời điểm mà những con chip nhỏ bé do người Việt Nam làm ra có khả năng góp phần đem lại tương lai huy hoàng của đất nước” – ông Bình nói.

Lãnh đạo FPT lưu ý việc Đà Nẵng cần nắm bắt thời cơ, khi thành phố đã có nhiều lợi thế như là nơi có số trường đại học/dân số cao nhất cả nước, sinh viên chiếm 10% dân số; công ty Intel, Synopsys và nhiều công ty công nghệ thông tin, bán dẫn lớn trên thế giới đã ở Đà Nẵng.

Thời gia qua lãnh đạo thành phố đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các tổ chức, doanh nghiệp ở Mỹ. Ông Bình nhận định thành phố đã có nhiều hợp tác chiến lược và có cơ hội là điểm đến mới của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Tuy nhiên ông Bình cũng cho rằng, trong cơ hội phía trước, Đà Nẵng đang thiếu quy hoạch con người. Điều này có thể cải thiện khi có các tập đoàn lớn sẵn sàng chung tay cùng thành phố.

Dịp này, UBND TP Đà Nẵng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư trong nước và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa được cấp phép với tổng vốn đầu tư hơn 9,3 nghìn tỉ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *