Trong thời điểm giao mùa, sự chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm khiến số trẻ viêm đường hô hấp tăng cao. Trong số này có nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).
Nhiều ca nguy hiểm
Gần đây số trẻ nhập viện do nhiễm RSV có xu hướng tăng tại một số cơ sở y tế. Tại TP HCM và các tỉnh phía Nam ghi nhận số trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng hơn so với năm trước. Đây là hiện tượng tăng theo chu kỳ vào những tháng cuối năm của nhóm bệnh này ở trẻ em. Tuy nhiên, đáng lưu ý nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa bệnh viện các tuyến thì khi số ca mắc nhiều, số ca nặng và tử vong sẽ tăng.
BS chuyên khoa II Trần Quỳnh Hương, Trưởng Khoa Hô hấp 2 – Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết từ tháng 10 tới nay, tỉ lệ trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện tăng gấp 1,5 lần. Các bệnh lý liên quan hô hấp tăng đột biến gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi bội nhiễm. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay, thời tiết thay đổi khiến xuất hiện thêm bệnh hen suyễn cũng tăng. Trẻ nhập viện hầu hết đều dưới 6 tháng tuổi.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, chỉ trong tháng 10 đã tiếp nhận khám ngoại trú gần 5.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn, hen phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, trong đó khoảng 7%-8% trẻ phải nhập viện. Một số ca bệnh diễn tiến nặng, phải thở CPAP (thở ôxy dòng cao), thở máy, thậm chí can thiệp ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).
PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết có nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, đứng đầu là RSV, sau đó là Rhinovirus, Andenovirus, cúm… Trong thời tiết giao mùa, bệnh nhi mắc RSV sẽ tăng vì giai đoạn này điều kiện không khí, độ ẩm có sự thay đổi, virus sinh sôi, phát tán mạnh hơn. Do hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn chỉnh, RSV có ái lực với đường hô hấp trên mạnh nên trẻ em là đối tượng dễ mắc virus này nhất. Bệnh do RSV bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè.
Triệu chứng thông thường hay gặp ở trẻ mắc RSV ở giai đoạn đầu có hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh nhân sốt cao lên, thở nhanh, khó thở. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh…, bệnh diễn biến rất nhanh và nặng, trẻ có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở.
Trẻ nhập viện điều trị vì mắc các bệnh lý hô hấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)Ảnh: Hải Yến
Hiểm nguy từ nụ hôn
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cảnh báo virus dễ dàng lây truyền từ người sang người qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, hôn trẻ. Cha mẹ, những người thân tuyệt đối không hôn trẻ. Sức đề kháng của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thường kém, trong khi đó, nụ hôn của người lớn có thể mang theo hàng triệu vi khuẩn, virus và trở thành mối đe dọa lớn đối với trẻ. Ngoài ra, virus này có thể sống vài giờ trên mặt bàn, ghế, đồ chơi, bàn tay, vì thế cha mẹ cần rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ.
Trước tình hình bệnh hô hấp tăng ở trẻ, Sở Y tế TP HCM cho biết đơn vị này đã chỉ đạo các bệnh viện nhi gồm: Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM tổ chức họp giao ban về công tác phòng chống dịch với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhi thuộc các tỉnh phía Nam. Thông qua hội nghị, các chuyên gia của các bệnh viện tuyến cuối mong muốn chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán, đặc biệt thống nhất phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm tránh gây quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối của thành phố.
Phần lớn những bệnh nhi tử vong do bệnh hô hấp có bệnh nền mạn tính đi kèm như tiền căn sinh non, nhẹ cân, bệnh phổi mạn, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh lý huyết học bẩm sinh… Đây là nhóm bệnh lý phức tạp, giảm tỉ lệ tử vong của nhóm bệnh này ở trẻ em vẫn còn là thách thức đối với chuyên ngành nhi khoa không chỉ của nước ta mà cả các nước phát triển.
Kịp thời đưa trẻ đi khám
Các bác sĩ nhấn mạnh hiện nay các bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp đang được điều trị theo triệu chứng. Để phòng bệnh, cha mẹ có con nhỏ nên bảo đảm dinh dưỡng. Nếu trẻ dưới 2 tuổi nên bú mẹ để bảo vệ trẻ trước các vi khuẩn tấn công. Bên cạnh đó, cho trẻ tiêm ngừa đúng lịch. Khi thấy trẻ xuất hiện triệu chứng bỏ bú, thở nhanh, thở khò khè, có đàm nhiều…, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám kịp thời.